Điều hành thuế xăng dầu: Lại lộ ra nhiều bất cập

Việc điều hành giá xăng dầu vừa qua lại bắt đầu lộ ra những bất cập mới khi có những thời điểm trong khi giá xăng dầu thế giới xuống thì giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam lại điều chỉnh lên. Phải chăng, việc điều hành xăng dầu lại trở lại cơ chế trì trệ như trước đây?
Tuy là cách tính thuế xăng dầu mới được áp dụng tạm thời nhưng đã lộ ra quá nhiều bất cập Tuy là cách tính thuế xăng dầu mới được áp dụng tạm thời nhưng đã lộ ra quá nhiều bất cập

Một loạt thay đổi trong chính sách thuế với xăng dầu vừa qua: Lấy thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở theo phương pháp tính thuế bình quân gia quyền (để tính giá cơ sở 18,3% đối với xăng, 2,3% đối với diesel và 0% đối với dầu hỏa và madút), áp dụng từ ngày 21/3/2016 cho cả quý tiếp theo hiện nay đang gây ra nhiều tranh cãi.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính-Giá cả, Bộ Tài chính thì cho rằng, cách điều hành về thuế xăng dầu như vậy của Bộ Tài chính đã "hợp lý". Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, có nhiều cơ sở cho thấy, cách điều chỉnh thuế mới của Bộ Tài chính, qua 2-3 kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất cho thấy đã lộ ra nhiều bất cập.

Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia nghiên cứu về xăng dầu cho rằng, việc tính thuế bình quân của một quý để rồi áp dụng điều hành cho cả quý sau là cách điều hành đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình hiện nay.

"Trước đây, theo Nghị định 84/NĐ-CP về điều hành xăng dầu, cứ 30 ngày, Liên bộ: Tài chính-Công Thương sẽ xem xét điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nhưng chính vì thời hạn 30 ngày là quá dài, dẫn đến khi điều hành, giá xăng dầu trong nước hay ngược chiều thế giới: Giá thể giới giảm, ta lại tăng và ngược lại nên đã thay bằng Nghị định 83/CP (ban hành năm 2014), điều hành ngắn hơn: 15 ngày/lần và tiến tới thị trường hoá hoàn toàn", chuyên gia này phân tích.

"Nhưng đến nay, theo phương pháp tính thuế bình quân gia quyền của Bộ Tài chính, tính mức thuế để áp dụng cho cả một quý, rồi quý sau lại xét mức ở quý trước thì hoá ra, việc điều hành xăng dầu lại quay lại cơ chế như trước, thậm chí còn trễ hơn, lạc hậu hơn. Điều này rất không ổn", ông này nói.

Một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, khi trao đổi với Dân trí, cũng cho rằng, việc áp dụng mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở đã gây ra bất cập là gây phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân.

"Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn -đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện nay bị ảnh hưởng nặng nhất do Công ty này đang chịu mức thuế 20% với mặt hàng xăng)", lãnh đạo một doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối trao đổi với Dân trí.

Một điểm bất hợp lý dễ thấy khác là hiện nay, theo Hiệp đinh thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc, các nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc sẽ chỉ phải nộp thuế nhập khẩu 10%; trong khi đó mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở đến tay người tiêu dùng hiện hành vẫn ở mức 18,3%, như vậy doanh nghiệp sẽ được tính dôi 8,3% tiền thuế khi tính giá cơ sở. Điều này có thể lại khiến những doanh nghiệp khai thác kẽ hở này lại có lãi lớn (năm 2015, các doanh nghiệp đầu mối thu lợi khoảng 3.500 tỉ đồng).

Hơn nữa, theo một số doanh nghiệp, cách tính thuế mới chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn như Petrolimex khi đặt mua những lô hàng lớn thì họ luôn được áp dụng giá thấp hơn những lô hàng nhỏ, lẻ như các doanh nghiệp nhỏ. Cùng mộtmức thuế, thì các doanh nghiệp nhỏ có chi phí nhập khẩu cao hơn mức tính của Bộ Tài chính nhưng vẫn phải tính thuế bình quân thấp hơn thực tế và ngược lại doanh nghiệp lớn nhập được xăng dầu giá rẻ hơn sẽ được lợi lớn nhờ được tính thuế nhập khẩu cao hơn so với thực tế nhập bình quân.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng cho biết Hiệp hội này cũng vừa có văn bản gửi Chính phủ, nêu các ý kiến không đồng tình của Hiệp hội về cách điều hành thuế xăng dầu.

Cụ thể, theo ông Ruệ, do tác động trực tiếp của việc thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết quốc tế và chính sách áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở như nêu trên, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu cũng như cơ chế điều tiết thu và ưu đãi theo Quyết định 952/QĐ-TTg nhằm đảm bảo hàng sản xuất trong nước tương đương hàng nhập khẩu đã dần bị phá vỡ và không đem lại hiệu quả thiết thực.

"Để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không bị ứ đọng sản phẩm, giãn hoặc dừng sản xuất, Thủ tướng cần cho phép điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn đối với xăng từ 20% xuống 10%; các loại dầu và xăng máy bay JetA1 về 0% để có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ các nước", ông này nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, Bộ Tài chính nên đưa đồng loạt mức thuế nhập khẩu của các thị trường xuống còn 10% đối với xăng và 0% với dầu và tăng phụ thu thuế nội địa lên. Như vậy người người tiêu dùng sẽ không bị thiệt do không phải trích quỹ bình ổn giá để bù đắp phần chênh lệch giá cơ sở cho các doanh nghiệp đầu mối.

Được biết, vừa qua, Trung tâm Thông tin Thương mại-Công nghiệp Việt Nam lại đưa ra dự báo, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng do giá xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng tăng.


Theo Dân trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục