Điều gì đã dẫn tới một trận "sạt lở" trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những yếu tố nào đã làm thị trường toàn cầu hoảng sợ và gây ra đợt bán tháo cổ phiếu mạnh trong tuần này.
Điều gì đã dẫn tới một trận "sạt lở" trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần này

Một loại bong bóng đang có nguy cơ vỡ

Được hỗ trợ bởi người tiêu dùng Mỹ năng động, chính phủ chi tiêu mạnh tay và giấc mơ về một tương lai do trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy, thị trường chứng khoán đã tăng vọt từ mức cao kỷ lục này lên mức cao kỷ lục khác trong năm nay. Thị trường dường như tự tin rằng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có thể thành công tạo ra một hiện tượng kinh tế khó nắm bắt nhất, đó là hạ cánh mềm.

Trong đó, hạ cánh mềm là thuật ngữ thị trường để chỉ khả năng xoa dịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt một cách dễ dàng, bằng cách tăng lãi suất để đè bẹp lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Nhưng gần như chỉ sau một đêm, sự tự tin đó đã tan biến. Hôm thứ Năm (1/8), chứng khoán Mỹ lao dốc cùng với sự sụt giảm mạnh của chứng khoán châu Âu, trong khi chứng khoán Nhật Bản đang trải qua những ngày tăm tối nhất kể từ năm 2020.

Sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán cũng trùng với quyết định của Fed về việc giữ nguyên lãi suất một lần nữa ở mức 5,5% tại cuộc họp chính sách vào tuần này, đồng thời với quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Kiyoshi Ishigane, Giám đốc quỹ tại Mitsubishi UFJ Asset Management cho biết: "Tôi không ngờ cổ phiếu lại giảm nhiều như vậy. Có lẽ là do lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ nghiêm trọng".

Sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán Mỹ được kích hoạt bởi hai điểm dữ liệu chính tập trung vào việc làm.

Yếu tố quan trọng đầu tiên là số người Mỹ yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã tăng mức cao nhất trong gần một năm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu tăng 14.000 lên 249.000 vào tuần cuối cùng của tháng 7. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/2023 và cao hơn một chút so với kỳ vọng.

Oliver Allen, chiến lược gia tại Pantheon Macroeconomics cho biết đây có thể là khởi đầu của một xu hướng đáng lo ngại.

“Bỏ qua các yếu tố khác, tình trạng sa thải dường như vẫn đang có xu hướng gia tăng trở lại, vì chi phí vay cao buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí và gác lại các kế hoạch mở rộng”, ông cho biết, đồng thời lưu ý rằng các thông báo sa thải đã tăng lên vào tháng 6 ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, ngoài sự sụp đổ của tập đoàn hậu cần khổng lồ Yellow Corporation.

Yếu tố quan trọng thứ hai đến từ một cuộc khảo sát được theo dõi chặt chẽ đối với các nhà sản xuất cho thấy hoạt động sản xuất đã giảm trong tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 7.

“Sự sụt giảm trong chỉ số việc làm sẽ làm tăng thêm mối lo ngại rằng Fed đã để quá muộn để bắt đầu nới lỏng chính sách…Điều đó sẽ khiến một số người phải lo ngại vì nó cho thấy có nguy cơ thị trường lao động sẽ yếu đi vượt quá mức bình thường mà chúng ta đã thấy”, Thomas Ryan, nhà kinh tế tại Capital Economics cho biết.

“Hiện tại, có những lo ngại rằng kịch bản hạ cánh mềm được định giá trong phần lớn thời gian của năm có thể chỉ là giấc mơ viển vông và Fed có thể đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn sự suy thoái kinh tế bằng cách không hành động về lãi suất vào tuần này…Sự suy yếu về việc làm tại Mỹ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bán tháo hiện tại. Tin xấu đã trở lại thành tin xấu”, Matt Brizman, nhà phân tích của Hargreaves Lansdown cho biết.

Diễn biến của thị trường chứng khoán đang ám chỉ đến việc mất niềm tin vào Fed. Trong một thời gian, các nhà đầu tư sẽ reo hò tin tốt, đẩy giá cổ phiếu lên, và họ cũng reo hò tin xấu vì nó làm tăng khả năng Fed cắt giảm lãi suất, đồng thời đẩy giá cổ phiếu lên. Nhưng thái độ đó đã thay đổi.

Jim Reid, chiến lược gia tại Deutsche Bank lưu ý rằng thị trường tài chính hiện kỳ ​​vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 1,75% trong năm tới, "đây là tốc độ mà chúng ta chỉ thấy trong suy thoái trong các chu kỳ gần đây".

Tất cả những điều đó cho thấy các nhà phân tích nghĩ rằng ông Powell đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi từ chối cắt giảm lãi suất trong tuần này.

"Khi thị trường lao động hạ nhiệt và lạm phát giảm, rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát của chúng ta tiếp tục chuyển sang trạng thái cân bằng hơn…Nền kinh tế đang tiến gần hơn đến thời điểm mà chúng ta nên giảm lãi suất chính sách", ông Powell cho biết.

Cổ phiếu công nghệ lao dốc

Cùng lúc đó, các ông lớn công nghệ của Mỹ đã thúc đẩy phần lớn sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong những năm gần đây đang chững lại.

Dữ liệu của Apple mới đây cho thấy doanh số bán iPhone đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm, ảnh hưởng đến cổ phiếu của Apple. Amazon đã bị các nhà đầu tư chỉ trích dữ dội khi công bố dự báo về tốc độ tăng trưởng doanh số chậm lại. Và nhà sản xuất chip Intel đã công bố kế hoạch cắt giảm chi phí và sa thải hàng nghìn nhân viên.

Ngoài ra, bối cảnh chính trị cũng khiến thị trường lo ngại.

Jonas Galtermann, nhà kinh tế tại Capital Economics cho biết, quan điểm không mấy tích cực của cựu Tổng thống Donald Trump về phương tiện truyền thông xã hội "có thể trở thành lực cản lớn đối với các cổ phiếu công nghệ lớn", trong khi sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và sự dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng chip là một mối nguy hiểm khác đối với thị trường.

"Rủi ro này có thể xảy ra dưới thời tổng thống Trump hoặc Harris, nhưng có lẽ có khả năng xảy ra cao hơn dưới thời tổng thống Trump do lập trường hiếu chiến hơn của ông về chính sách thương mại và sự mơ hồ xung quanh việc duy trì các cam kết quân sự của Mỹ tại Châu Á", ông cho biết.

Một loạt các yếu tố hỗ trợ cổ phiếu đã bị phá vỡ. Đối với thế giới tài chính lấy sự tự tin làm động lực, Fed không còn giống như một đôi tay an toàn nữa.

Đồng yên tăng giá

Đồng yên đã tăng khoảng 8% so với đô la Mỹ trong tháng 7, giao dịch ở mức 148,84 yên mỗi đô la vào thứ Sáu (2/8). Điều này đánh dấu sự tương phản rõ rệt so với thời điểm trước ngày 4/7 khi đồng yên giảm xuống còn 161,96 mỗi đô la lần đầu tiên kể từ tháng 12/1986. Các nhà phân tích tại Amundi và TD Securities thậm chí còn dự đoán rằng đồng yên có thể tiến xa tới mức 140.

Đồng yên tăng giá đã làm dấy lên suy đoán về việc liệu điều này có thể đánh dấu sự kết thúc của chiến lược chênh lệch lãi suất (carry trade), trong đó nhà đầu tư vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp, chẳng hạn như đồng yên, và tái đầu tư số tiền thu được vào một loại tiền tệ có lãi suất cao hơn.

"Hiện tại, tình trạng dễ bị tổn thương rõ ràng của cổ phiếu Mỹ trước sự gia tăng tỷ giá hối đoái của đồng yên cảnh báo về hậu quả đối với giá tài sản của Mỹ và giá tài sản của các nước phát triển nói chung từ những thay đổi về chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phía đông", Russell Napier, đồng sáng lập cổng thông tin nghiên cứu đầu tư ERIC cho biết.

Ông cho biết đợt tăng giá gần đây của đồng yên như một ví dụ về việc áp lực bán ra từ các nhà đầu tư tìm cách trả nợ bằng đồng yên đã đẩy giá cổ phiếu Mỹ xuống, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục suy giảm.

“Phản ứng tiêu cực này của giá cổ phiếu Mỹ sẽ trở nên trầm trọng hơn trong một đợt thay đổi dòng vốn vì các nhà đầu tư giao dịch chênh lệch lãi suất sẽ buộc phải bán ra đô la cùng lúc với các tổ chức tài chính của Nhật Bản buộc phải bán ra để mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản…Với đồng yên bị định giá thấp như vậy và nhu cầu kiểm soát tài chính ở Nhật Bản hiện đang cận kề, các nhà đầu tư không nên kỳ vọng định giá cổ phiếu Mỹ sẽ tiếp tục tăng khi sự thay đổi này xảy ra”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục