Lạm phát dai dẳng làm phức tạp thêm động thái lãi suất tiếp theo của ECB

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát khu vực đồng euro đã gia tăng vào tháng 7 và gây áp lực lên quyết định tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc có nên cắt giảm lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng hay không khi nền kinh tế đang chật vật để phục hồi sau một thời gian dài trì trệ.
Lạm phát dai dẳng làm phức tạp thêm động thái lãi suất tiếp theo của ECB

Dữ liệu được công bố hôm thứ Tư (31/7) cho thấy lạm phát khu vực đồng euro đã tăng từ 2,5% vào tháng 6 lên 2,6% vào tháng 7. Lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao là 4% sau khi giảm từ mức 4,1% trong tháng 6.

Sự gia tăng của lạm phát sẽ là vấn đề quan trọng tại các cuộc thảo luận về động thái tiếp theo của ECB tại cuộc họp ngày 12/9. ECB đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, hạ lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống còn 3,75%. Sau đó, ECB đã tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 7, và Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, ngân hàng trung ương sẽ đưa ra các quyết định tiếp theo trong từng cuộc họp dựa trên dữ liệu thu thập được về lạm phát và hiệu suất của nền kinh tế.

ECB cùng với các ngân hàng trung ương khác bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhanh chóng tăng lãi suất để chống lại sự gia tăng lạm phát do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao cũng như sự phục hồi đột ngột của nền kinh tế sau đại dịch, gây căng thẳng cho nguồn cung cấp phụ tùng và nguyên liệu thô. Châu Âu nói riêng đã bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng cao sau khi Nga cắt giảm hầu hết nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.

Giá năng lượng đã giảm và lạm phát hiện đã giảm so với mức đỉnh điểm là 10,6% vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, lạm phát đã lan sang tiền lương và giá dịch vụ. Do đó, lạm phát chung vẫn ở mức từ 2% đến 3%, cao hơn mục tiêu 2% được xem là tốt nhất cho nền kinh tế của ECB.

ECB sẽ có một số liệu lạm phát khác từ tháng 8 để xem xét vào thời điểm diễn ra cuộc họp tiếp theo. Các quan chức ngân hàng trung ương cho biết họ kỳ vọng lạm phát sẽ dao động quanh mức hiện tại trong phần còn lại của năm và giảm xuống để đạt được mục tiêu 2% vào cuối năm 2025.

Việc tăng lãi suất chống lại lạm phát bằng cách tăng chi phí tín dụng để mua hàng, làm giảm nhu cầu về hàng hóa và giảm áp lực giá cả. Nhưng lãi suất cao hơn có thể gây tổn hại đến tăng trưởng và dữ liệu kinh tế gần đây đã giảm sút khi châu Âu đang chật vật để thể hiện sự phục hồi thuyết phục sau hơn một năm tăng trưởng gần bằng 0.

Tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro ghi nhận mức tăng 0,3% trong hai quý đầu năm nay, cải thiện so với năm quý liên tiếp có số liệu tăng trưởng gần bằng 0 hoặc thấp hơn. Nhưng các chỉ số gần đây về hoạt động kinh tế trong tương lai, chẳng hạn như chỉ số nhà quản lý mua hàng của S&P Global cho thấy nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chậm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp là 6,4%.

Julien Lafargue, chiến lược gia thị trường trưởng tại ngân hàng đầu tư Barclays cho biết, các số liệu lạm phát mới nhất khó có thể tác động đáng kể đến triển vọng lãi suất.

“Mặc dù lạm phát toàn phần nóng hơn dự kiến ​​có thể được xem là một trở ngại đối với ECB, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng nó nhất thiết làm thay đổi câu chuyện. Thật vậy, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp, bao gồm cả tăng trưởng GDP quý II, điều này sẽ giúp lạm phát duy trì xu hướng giảm”, ông cho biết.

Capital Economics kỳ vọng ECB sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất khác trong cuộc họp vào tháng 9.

"Nhưng có vẻ như sẽ rất khó khăn và sẽ phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát của tháng 8", Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục