Điện sinh khối vẫn còn nhiều thách thức

(ĐTCK) Sinh khối bao gồm cây cối, bã nông nghiệp, lâm nghiệp như rơm rạ, bã mía, vụn gỗ, xơ bắp... hoặc giấy vụn, khí từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải... Cách phổ biến để tạo ra điện sinh khối là thông qua quá trình đốt cháy trực tiếp, trong đó hơi nước hoặc nhiệt tạo ra năng lượng được sử dụng để chạy các tuabin sản xuất điện. Do đó, sinh khối được xem là dạng năng lượng tái tạo, có trữ lượng không nhỏ.
Điện sinh khối vẫn còn nhiều thách thức

Với đặc điểm là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có lợi thế về điện sinh khối rất lớn với tiềm năng sản xuất sinh khối đạt 118 triệu tấn/năm, chủ yếu từ rơm và trấu (41 triệu tấn),  bã và lá cây mía (16 triệu tấn) và gỗ tự nhiên (14 triệu tấn). Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Năng lượng, đến hết năm 2013, điện phát lên lưới điện từ điện sinh khối thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng, chỉ chiếm 0,04% trong tổng lượng điện phát, tương đương với 47 triệu kWh.

Hiện nay, điện sinh khối của Việt Nam được tạo ra chủ yếu từ các nhà máy đường. Có 41 nhà máy đường ở Việt Nam và các nhà máy này sử dụng bã mía để sản xuất điện chủ yếu phục vụ cho sản xuất nội bộ với tổng công suất khoảng 150 MW. Chỉ có 5 nhà máy đường có quy mô lớn đang tham gia bán điện thương phẩm với tổng sản lượng điện phát lên lưới điện lũy kế đạt xấp xỉ 100 triệu kWh và tổng công suất đặt chỉ ở mức 64 MW.

Giá bán điện thương phẩm của các nhà máy mía đường rất thấp, trung bình chỉ khoảng 4 cents/kWh (hơn 800 đồng/kWh), khiến cho các doanh nghiệp mía đường không mặn mà với việc đầu tư cho sản xuất điện.

Ngoài ra, một liên doanh giữa các doanh nghiệp Torftech (Anh) và Malaysia được thành lập đã dự định xây dựng 20 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 200MW tại 6 tỉnh của Việt Nam. Mỗi nhà máy có công suất đặt khoảng 10 MW sẽ sử dụng vỏ trấu làm nhiên liệu đốt. Dự án được thực hiện trong 6 năm tới, bắt đầu từ cuối năm 2013 với tổng vốn đầu tư 615 triệu USD (tương đương 3,08 triệu USD/MW).

Nhằm hỗ trợ điện sinh khối, Bộ Công thương đã đề xuất giá bán điện từ bã mía là 6,1 cents/kWh, tăng 53% so với mức giá hiện tại, tương tự, giá bán điện từ trấu cũng được đề xuất khoảng 7,3 cents/kWH, tăng 83% so với hiện tại. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Công Thương vẫn chưa được phê duyệt. Hiện tại, Chính phủ chỉ có cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án sinh khối theo Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ban hành ngày 24/3/2014, theo đó, chỉ điện sinh khối phát từ các nhà máy đồng phát nhiệt và điện thì được bán với mức giá là 5,8 cents/kWh. Ngoài ra, điện sinh khối phát từ khí thu hồi từ bãi chôn lấp sẽ được bán với giá là 7,28 cents/kWh và điện từ chất thải rắn sẽ được bán với giá 10,05 cents/kWh theo Quyết định số 31/2014/ QĐ-TTg ban hành ngày 5/5/2014. Các dự án điện sinh khối khác nếu không nằm trong những nhóm trên thì vẫn bán điện theo biểu phí tránh được.

Theo các nhà đầu tư điện sinh khối từ bã mía, mức giá bán điện cần đạt ít nhất 8 cents/kWh để có lãi do chi phí đầu tư một nhà máy điện bã mía cần khoảng 750.000 đến 1 triệu USD/MW. Do đó, nếu xét về mức đầu tư cao hơn từ gấp đôi đến gấp ba của các nhà máy sinh khối khác, như dùng trấu, thì sự hỗ trợ này vẫn chưa làm hài lòng nhà đầu tư điện sinh khối khi mức giá bán vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng. Ngoài ra, mức giá chỉ hỗ trợ các dự án đồng phát điện và nhiệt, như vậy, ngoài việc lo thỏa thuận phát điện, các nhà đầu tư còn phải tìm khách hàng tiêu thụ nguồn nhiệt của dự án. 

Theo Quy hoạch điện VII, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đối với điện sinh khối với mục tiêu điện phát đạt 0,6% trong năm 2020 (công suất 500 MW) và 1,1% đến năm 2030 (công suất 2.000 MW). Có thể nhận thấy, mục tiêu phát triển điện sinh khối đặt ra khó có thể đạt được nếu mức giá mua điện EVN không đủ bù đắp chi phí của nhà đầu tư.

Ngành điện Việt Nam có triển vọng khả quan với nhu cầu tăng mạnh. Nhu cầu điện năng của Việt Nam đã tăng nhanh chóng với độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR, 13%/năm, tuy nhiên, với kỳ vọng giá bán lẻ điện đạt đến mức 8 - 9 cents/kWh trong vòng 3 đến 5 năm tới thì khả năng giá điện mua từ các nhà máy sản xuất điện sinh khối đạt đến mức này là không thể. Do đó, để khuyến khích phát triển nguồn phát điện này thì cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ thông qua trợ giá.

Việt Nam tuy có tiềm năng về nguồn rác thải nông nghiệp nhưng chưa có kế hoạch quản lý nguồn chất thải này một cách hiệu quả, dẫn đến nguồn cung cho sản xuất điện sinh khối không ổn định. Vì vậy, khả năng phát triển của điện sinh khối tại Việt Nam vẫn còn hạn chế và nhiều thách thức.

CTCK VPBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục