Cung ứng điện mùa khô lo đội chi phí

Việc huy động các nguồn điện chạy dầu nhằm bổ sung thiếu hụt của nguồn cung do Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 không được cấp khí đầy đủ bởi sự cố đường ống dẫn khí ít ngày qua đã nảy sinh thêm áp lực với ngành điện.
Việc vận hành thêm nhà máy phát điện chạy dầu sẽ dồn những gánh nặng chi phí mới lên EVN Việc vận hành thêm nhà máy phát điện chạy dầu sẽ dồn những gánh nặng chi phí mới lên EVN

Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 có tổng công suất 1.500 MW, chiếm tỷ trọng 21,03% so với tổng công suất turbin khí trên toàn quốc (7.134 MW) và chiếm khoảng 14,98% nhu cầu tiêu thụ điện toàn miền Nam (10.011 MW). Hệ thống khí PM3-CAA là nguồn nhiên liệu chính cung cấp cho nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 với sản lượng đạt bình quân khoảng 4,78 triệu m3/ngày ở thời điểm cuối năm 2013, sau khi hoàn thành lắp đặt máy nén khí.

Tuy nhiên, theo Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), nguồn cấp khí của khu vực này không ổn định, hay xảy ra sự cố, khiến phải ngừng dự phòng các tổ máy hoặc chuyển huy động bằng nhiên liệu dầu gây ảnh hưởng nhất định tới vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Theo thống kê, năm 2013, lượng điện huy động từ Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 bằng nhiên liệu dầu là 81,1 triệu kWh.

Còn với thực tế hiện nay, để bổ sung sự thiếu hụt nguồn cung của Nhà máy Cà Mau 1 và 2 khi chạy bằng khí trong sự cố vừa rồi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động 1 tổ máy của nhà máy điện Ô Môn chạy bằng dầu FO và huy động thêm 2 - 3 tổ máy turbin khí của các nhà máy điện Cà Mau chạy dầu DO. Theo tính toán, tổng sản lượng điện huy động bằng nhiên liệu dầu khoảng 15,2 triệu kWh/ngày. Trong đó chi phí phát sinh cho việc chạy dầu của các nhà máy là 70 tỷ đồng/ngày.

Lẽ dĩ nhiên, việc phải đổ dầu vào chạy như trường hợp bất khả kháng diễn ra tại Nhà máy Cà Mau 1 và 2 để đảm bảo ổn định hệ thống điện sẽ dồn những gánh nặng chi phí mới lên EVN ngoài các tính toán trước đó cho giá điện.

Trước đó, kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2014 được Bộ Công thương phê duyệt tại văn bản 10116/2013/BCT không tính tới việc huy động phát điện bằng nhiên liệu dầu tại các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 trong suốt năm nay. Thậm chí, Bộ Công thương cũng đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đảm bảo duy trì sản lượng khí nguồn Nam Côn Sơn và PM3-CAA ở mức cao để cấp cho các nhà máy turbin khí vận hành ở khu vực này. Trong trường hợp thiếu khí, điện sẽ là hộ tiêu thụ được ưu tiên cấp đủ khí hàng đầu, kể cả việc phải giảm sản lượng khí cấp cho các hộ khác.

Theo kế hoạch, năm 2014 sẽ huy động 0,681 tỷ kWh chạy dầu, trong đó phần huy động cho mùa khô là 0,535 tỷ kWh, nhưng phải  tháng 4 tới mới bắt đầu huy động.

Đánh giá của EVN hồi đầu năm dựa trên các phương án cung cầu điện được tính toán cho hay, năm 2014 nhu cầu điện có tăng cao hơn năm 2013, nhưng hệ thống điện vẫn đủ năng lực đảm bảo điện cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước những sự cố bất khả kháng bất ngờ diễn ra như với nguồn khí cấp cho Nhà máy điện Cà Mau 1và2 vừa qua, thì dù có hệ thống điện dự phòng, sông EVN vẫn lo sốt vó bởi phải đổ dầu vào phát điện với chi phí rất cao.     

Hoàng Minh(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục