Bài toán giá điện
Tại diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” chiều ngày 7/12, PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế khẳng định, phát triển điện khí LNG được xác định là giải pháp “xanh” trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại nước ta. Tuy nhiên, nguồn điện này gặp phải không ít thách thức và thách thức lớn nhất là việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA).
Việc đàm phán PPA phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ Công thương, chủ đầu tư sẽ phải đàm phán mua bán điện với EVN dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép… nhưng vẫn phải tuân thủ khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành. Bên cạnh chi phí cao, do là nguồn khí an toàn, được nhiều quốc gia sử dụng nên giá LNG cũng khá cao. Trong khi đó, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG và phải nhập khẩu 100% loại nhiên liệu này.
Theo ông Long, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi nên giá khí LNG biến động thất thường. Mặt khác, giá điện chiếm tỷ lệ 70 – 80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện cũng là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Thực tế, giá khí hoá lỏng LNG đã tăng rất mạnh thời gian qua, giá nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và EVN, do EVN phải mua điện giá cao và bán điện giá rẻ. Giá phát điện LNG cao hơn so với các nguồn điện khác nên gặp khó khăn trong tham gia thị trường điện và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
“Chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm, chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối của dự án…Các doanh nghiệp bao giờ cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng. Do đó, phát triển điện khí phải theo cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của nhà nước”, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
Tuy nhiên, dưới quan điểm của ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế thì giá thị trường chỉ có khi Việt Nam có thị trường. Do đó, trong quá trình thực hiện Việt Nam phải nhìn lại từng thành phần cấu thành giá thị trường bao gồm cả giá nhập khẩu sản phẩm LNG, giá bán điện LNG…
"Điện khí LNG phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường"
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp chỉ ra, theo quy định của Luật Giá số 16/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 có hiệu lực từ 01/07/2024, thì giá bán điện thuộc Phụ lục 2 – Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, và thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực.
Còn theo Luật Điện lực hiện hành (Luật số 28/2004/QH11 ngày 03/12/2004, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại các năm 2012, 2018 và 2022) thì giá bán lẻ điện được xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Riêng trường hợp ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo nơi chưa nối lưới điện quốc gia thì giá bán lẻ điện sinh hoạt do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt tại khu vực này do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Đối với khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ.
Bên cạnh đó, giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn (trong đó có các Hợp đồng mua bán điện khí LNG), giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.
Với các quy định pháp luật nêu trên, ông Phụng cho rằng cần phải thống nhất cách hiểu và kiên quyết khẳng định điện khí LNG phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi.
Cần phải loại bỏ tư duy lâu nay “các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang sử dụng để sản xuất ra điện như là than, là nắng, là gió, là khí, là dầu, là thủy điện… thuộc quyền sở hữu toàn dân, cho nên điện sinh hoạt của người dân phải để mức thấp nhất, thậm chí Nhà nước phải bù cho dân”.
"Thay đổi được tư duy này, chúng ta mới có cơ hội xóa bỏ tương quan bất hợp lý trong giá điện sinh hoạt lâu nay”, ông Phụng nói.
Đối với điện khí LNG, ông Phụng cho rằng, thực tế hiện nay đã cho thấy giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên than, nắng, gió, thủy điện. Do vậy, rất cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này được xây dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt.
Khung giá, mức giá cụ thể cần được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG (chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG tại một thời điểm xác định là cơ sở), hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá LNG. Mức giá LNG luôn có những biến động, thay đổi lớn trên thị trường quốc tế vốn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nhưng do LNG chiếm cấu phần lớn trong giá thành điện nên hệ số điều chỉnh sẽ cho phép xử lý các biến động này, bảo đảm được quyền lợi của các bên trong thị trường điện khí LNG.
Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, muốn có giá LNG tốt thì Việt Nam phải có các cam kết dài hạn. Tuy nhiên, muốn có cam kết mua và bán khí LNG dài hạn thì cũng phải có cam kết dài hạn từ nhà máy điện, và điều này còn phụ thuộc vào cam kết khách hàng.
“Các cam kết dài hạn, hợp tác quốc tế và thị trường là những điều kiện cần và đủ để thực hiện hoá các dự án khí điện theo Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch Năng lượng Quốc gia”, ông Thập nhấn mạnh.