Nhiều vướng mắc trong hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điện khí LNG đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng sạch, an toàn, và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng trên toàn cầu, nhưng việc phát triển điện khí LNG ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Nhiều vướng mắc trong hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG

Vướng mắc trong phát triển điện khí LNG

Để thúc đẩy việc ban hành Quy hoạch điện VIII tại Việt Nam, việc phát triển điện khí LNG trong những năm tới đây là chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Quy hoạch Điện VIII đưa ra mục tiêu đưa 13 nhà máy điện khí LNG vào vận hành; chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương đương 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.

Tại diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” chiều ngày 7/12 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và các đơn vị liên quan thực hiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội thuận lợi cho điện khí LNG. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành...

Thứ nhất, Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn LNG và cần tuân thủ các thông lệ mua bán LNG quốc tế, trong khi Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu cũng như chưa xây dựng hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý cho các dự án LNG.

Thứ hai, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện - khí LNG; xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG có yêu cầu cao về kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt với vốn đầu tư lớn.

Thứ ba, các quy hoạch ngành, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hiện tại của các địa phương chưa phù hợp với Quy hoạch Điện VIII có thể làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục cấp phép đầu tư, tiến độ xây dựng dự án…

Thứ tư, về phía các doanh nghiệp, đầu tư cho dự án điện khí LNG cần nguồn lực lớn, công nghệ hiện đại nên việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều thách thức, cần phải đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả. Trong khi hiện nay, việc phát triển các dự án phải tuân thủ các quy trình đầu tư thông thường cũng như chưa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình nguồn điện mới.

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức trong việc phát triển điện khí LNG đến từ việc thị trường tiêu thụ điện tăng trưởng chậm so với mục tiêu tại quy hoạch điện; thiếu khung pháp lý để hoàn thiện đàm phán và ký kết các thoả thuận pháp lý, kỹ thuật, thương mại giữa các chủ thể.

Bên cạnh đó, thách thức đến từ việc bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng doanh nghiệp chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế; hay khó khăn việc bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG.

Đặc biệt, vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn đang nghiên cứu xem xét; thách thức từ cam kết đường dây chuyển tải; nguy cơ mất kiểm soát tiến độ dự án…

Toàn cảnh diễn đàn
Toàn cảnh diễn đàn

6 giải pháp gỡ khó cho điện khí LNG

Từ những thách thức hiện hữu, TS. Nguyễn Quốc Thập đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hiện thực hoá mục tiêu điện khí LNG trong Quy hoạch điện VIII.

Nhóm giải pháp thứ nhất là mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII. Cụ thể là xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG.

Nhóm giải pháp thứ hai là sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan. Trước tiên và quan trọng nhất đó là cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi.

Bên cạnh đó là cho phép các chủ thể các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa EVN và các hộ tiêu thụ điện; cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí của kho cảng LNG…

Nhóm giải pháp thứ ba là cập nhật, sửa đổi điều lệ và quy chế tài chính của PVN và EVN. Nguyên nhân do Chính phủ không còn trực tiếp bảo lãnh các hợp đồng mua bán khí và mua bán điện, còn khung pháp lý hiện tại tại PVN và EVN không đủ cơ sở để thực hiện bảo lãnh thay thế.

Nhóm giải pháp thứ tư là Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước vẫn cần cam kết và đảm bảo về khối lượng chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và tỷ giá sẽ do thị trường quyết định.

Nhóm giải pháp thứ năm là tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội để xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả tối ưu điện khí LNG.

Nhóm giải pháp thứ sáu là thay đổi nhận thức và tư duy vì với một loại hình kinh doanh mới, cần có cách tiếp cận mới, phù hợp và khả thi hơn. Đơn cử như điện khí LNG không chỉ có nhà máy điện và kho cảng LNG, điện khí LNG còn cần được hấp thụ, tiêu thụ bởi các hộ tiêu thụ điện công nghiệp, là các khu công nghiệp hay các nhà máy chế biến và rộng hơn là nền kinh tế.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng nhấn mạnh, giá điện khí LNG bắt buộc phải theo cơ chế thị trường, vì trọng số trong cấu thành giá điện khí LNG chủ yếu là giá LNG nhập khẩu.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục