* BVSC khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu TLG
Chúng tôi tin tưởng TLG sẽ vượt qua được kế hoạch lợi nhuận sau thuế được thông qua trong ĐHCĐ năm 2017 là 265 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tương đương với EPS năm 2017 là 4.789 VND/CP và tương ứng với mức P/E 2017 là 20,46, là mức tương đối cao so với thị trường chung. Vì vậy chúng tôi đánh giá NEUTRAL đối với cổ phiếu TLG.
Được đánh giá là doanh nghiệp dẫn đầu ngành văn phòng phẩm, có tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả nhưng cổ phiếu TLG có P/E ở mức khá cao. Trong tuần qua, giá cổ phiếu TLG điều chỉnh nhẹ sau 2 tuần liên tiếp tăng điểm. Thống kê, TLG có 2 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TLG giảm 1.000 đồng/Cp (-1%) từ mức 100.000 đồng/Cp xuống 99.000 đồng/Cp.
* IVS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VNS
Vinasun cũng đang ra sức phát triển ứng dụng Vinasun App, nâng cao chất lượng phục vụ và giảm chi phí bằng việc cho tài xế thuê thương hiệu thay vì chạy xe theo hợp đồng. Đây là mặt tích cực của doanh nghiệp sau những thông tin tiêu cực như hơn 8.000 nhân việc nghỉ việc trong nửa đầu năm 2017. Chúng tôi nhận định nhà đầu tư vẫn nên đợi báo cáo tài chính quý 3 để có cái nhìn rõ hơn về hoạt động của Vinasun, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi đối với cổ phiếu VNS.
Những thông tin tích cực mới đây như việc phát triển ứng dụng Vinasun App, đã khiến giới đầu tư đặt kỳ vọng khả quan vào Vinasun. Sau tuần diễn biến lình xình, cổ phiếu VNS đã bứt mạnh trong tuần cuối tháng 9.
Thống kê, VNS có duy nhất 1 phiên giảm ngày 27/9, 3 phiên tăng, trong đó phiên 25/9 tăng trần và 1 phiên đứng giá ngày 29/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNS tăng 1.900 đồng/Cp (+11,24%) từ mức 16.900 đồng/Cp lên 18.800 đồng/Cp.
* KIS khuyến nghị nhà đầu tư có thể canh mua, VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cổ phiếu VIC
Theo KIS, nhà đầu tư có thể canh mua VIC trong trường hợp khi giá VIC xuất hiện những nhịp rung lắc nhẹ và tích lũy ở vùng giá 49-50 với khối lượng giao dịch và mức độ biến động thấp trong ngắn hạn với giá mục tiêu trong khoảng thời gian 3 tháng là 60-61, tương ứng với lợi nhuận kỳ vọng là 23%. Đồng thời, cắt lỗ khi giá rớt xuống mốc 45 trong kịch bàn xấu xảy ra.
Trong khi đó, VCSC đưa ra khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho Vingroup (VIC) với giá mục tiêu 46.600 đồng/cổ phiếu.
Tuần qua, cổ phiếu VIC là một trong những mã lớn góp phần hỗ trợ giúp thị trường không quá giảm sâu trong những phiên điều chỉnh. Thống kê, VIC có 2 phiên giảm nhẹ và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIC tăng 2.100 đồng/Cp (+4,28%) từ mức 49.100 đồng/Cp lên 51.200 đồng/Cp. Như vậy, so với mức giá mục tiêu là VCSC đưa ra là 46.600 đồng/CP, giá hiện tại của VIC cao hơn 8,98%.
* KIS khuyến nghị mua cổ phiếu ACB
Nhà đầu tư có thể canh mua ACB trong trường hợp khi giá ACB quay trở về kiểm chứng lại vùng giá hỗ trợ 28.5-29 với điều kiện đường giá tích lũy quanh vùng hỗ trợ này với mức biến động giá thấp và đi kèm với khối lượng giao dịch vừa phải với giá mục tiêu trong trung hạn là 34, tương đương với tỷ suất sinh lời 17% và cắt lỗ khi giá rớt khỏi mức giá 27.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua khá phân hóa, bên cạnh các mã giao dịch thiếu tích cực như BID, CTG, MBB, cổ phiếu ACB đã đóng góp tích cực vào đà tăng trên sàn HNX. Thống kê, ACB chỉ có duy nhất 1 phiên giảm vào giữa tuần ngày 27/9 và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng 1.400 đồng/Cp (+4,79%) từ mức 29.200 đồng/Cp lên 30.600 đồng/Cp.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu HUT
Với định giá 15.473 đồng/cổ phiếu, cao hơn 29% so với thị giá hiện tại, chúng tôi khuyến nghị MUA với cổ phiếu HUT, tuy nhiên cần lưu ý các tác động của việc niêm yết bổ sung 50 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ (giá 10.500/cp) và 10,6 triệu cổ phiếu được chuyển đổi (dự kiến giá 10.000/cp) cũng như việc hạch toán lợi nhuận thường tập trung vào quý IV. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu ở mức giá hợp lý.
Trái với kỳ vọng của MBS, tuần qua, cổ phiếu HUT diễn biến khá lình xình và chủ yếu với những phiên đi ngang. Thống kê, HUT có 1 phiên giảm, 1 phiên tăng và 3 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HUT không biến động và giữ nguyên mức giá 12.100 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cho cổ phiếu KDF
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị phù hợp thị trường cho KDF với giá mục tiêu 60.100 đồng, so với mức giá chào sàn phiên đầu tiên là 60.000 đồng/CP. KDF hiện đang giao dịch ở mức P/E trượt 24,8 lần và P/E 2017 là 19,7 lần.
Không như nhiều tân binh trước đây, cổ phiếu mới KDF có màn chào sàn UPCoM không mấy tích cực khi cổ phiếu này có diễn biến khá rung lắc và kết phiên đứng giá tham chiếu. Trong phiên tiếp đó, KDF chịu áp lực bán gia tăng và quay đầu giảm điểm. Thống kê trong 2 phiên giao dịch tuần qua, giá cổ phiếu KDF tăng nhẹ 580 đồng/Cp (+0,97%) từ mức 60.000 đồng/Cp lên 60.580 đồng/Cp.
* KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu PVS
Trong bối cảnh giá dầu chậm hồi phục, PVS là điểm sáng trong nhóm cổ phiều dầu khí khi kết quả kinh doanh hồi phục ấn tượng và hưởng lợi từ những siêu dự án sắp đến. PVS hiện đang giao dịch tại mức P/E là 8.5 với giá 16.500 đồng. Chúng tôi định giá PVS ở mức 17.000 đ/cp trong 1 năm tới, tương ứng với PE 12x. Tổng mức lợi nhuận kỳ vọng đạt 23.5% và khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu PVS.
Thông tin chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt 5%, đã tiếp sức giúp cổ phiếu PVS khởi sắc trong những phiên đầu tuần, tuy nhiên sau đó cổ phiếu này đã chịu áp lực điều chỉnh và thu hẹp đà tăng. Cụ thể, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 28/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng nhẹ 280 đồng/Cp (+1,75%) từ mức 16.020 đồng/Cp lên 16.300 đồng/Cp.
* IVS khuyến nghị tiếp tục nắm giữ cổ phiếu SLS
Trên thế giới hiện đang xuất hiện rủi ro về dư cung, SLS cũng đã rất thật trọng giảm kế hoạch lợi nhuận đi 66%, do vậy khiến cho cổ phiếu có đợt điều chỉnh khá mạnh vừa qua. Tuy nhiên với hoạt động hiện tại, kết quả quý này nhiều khả năng sẽ vẫn tích cực và do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ SLS theo khuyến nghị cũ, và theo dõi kết quả kinh doanh quý I theo năm tài chính 2017-2018 của SLS.
Mới đây, SLS cũng thông qua việc chi trả cổ tức cho năm tài chính 2016-2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 55% cùng kết quả kinh doanh lãi lớn 163 tỷ đồng, vượt 169% kế hoạch đề ra, đã hỗ trợ tốt giúp cổ phiếu này tăng điểm khá tốt sau tuần điều chính trước đó.
Thống kê, SLS có 1 phiên giảm, 3 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 29/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SLS tăng 7.400 đồng/Cp (+4,31%) từ mức 171.500 đồng/Cp lên 178.900 đồng/Cp.
* IVS khuyến nghị mua cổ phiếu VJC trong dài hạn
Chúng tối nhận thây tiềm năng ngành hàng không giá rẻ vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân do cơ cấu dân số trẻ và thu nhập tăng lên, và Vietjet nổi lên là thương hiệu dẫn đầu trong phân khúc này. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VJC trong dài hạn. Giá mục tiêu là 140.000 đồng/CP, giá cắt lỗ là 88.000 đồng/CP.
Thông tin HDBank chi 350 tỷ đồng để mua thêm 2,54 triệu cổ phiếu Vietjet vẫn là động lực chính giúp cổ phiếu VJC khởi sắc cùng giao dịch khá sôi động trong tuần qua. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC tăng 3.500 đồng/Cp (+3,34%) từ mức 104.700 đồng/Cp lên 108.200 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu MWG
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua cho MWG với giá mục tiêu 148.000/CP (tổng mức sinh lời 27% bao gồm lợi suất cổ tức 0,6%). Chúng tôi nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng giá mục tiêu trong báo cáo cập nhật sắp tới, một phần đến từ tốc độ mở cửa hàng nhanh hơn dự kiến của MWG.
Mặc dù MWG đã có động thái đầu tiên trong việc tiếp quản Trần Anh, cùng việc báo lãi 1.450 tỷ đồng trong 8 tháng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước, nhưng diễn biến cổ phiếu MWG trong tuần này không có nhiều biến động. Thống kê, MWG có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng,, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm nhẹ 600 đồng/Cp (-0,51%) từ mức 116.900 đồng/Cp xuống 116.300 đồng/Cp.