* BSC khuyến nghị nhà đầu tư mua vào SMC
Cổ phiếu SMC đang có cơ hội thoát lên khỏi mặt bằng giá cũ trong những phiên tới đây nếu có thêm sự hỗ trợ từ các tín hiệu kỹ thuật. Vì vậy khuyến nghị nhà đầu tư tham gia tại vùng giá hợp lý 26. Kỳ vọng ngắn hạn SMC quay trở lại chinh phục vùng kháng cự 28. Thực hiện cắt lỗ ngay nếu SMC thoát xuống đường kênh giá nối các khu vực đáy lịch sử.
Dù được nhận định khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu SMC tuần qua không nhiều biến động với những phiên tăng giảm xen kẽ. Cụ thể, với 1 phiên tăng đầu tuần, 2 phiên giảm sau đó và đứng giá ở phiên cuối tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SMC đã giảm 500 đồng/Cp (-1,9%) từ mức 25.800 đồng/Cp xuống 25.300 đồng/Cp.
* KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu ACB, VCBS khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu STB
KIS đưa ra giá mục tiêu 27.993 đồng cho ACB trong vòng 1 năm nay, cao hơn 12,4% so với giá thị trường. Cùng với mức chia cổ tức dự kiến 10%, tổng mức sinh lời kỳ vọng là 16,4%. Do đó, khuyến nghi tăng tỷ trọng đối với ACB.
Trong khi đó, VCBS tiếp tục duy trì quan điểm tích cực đối với cổ phiếu STB trong ngắn hạn như nhận định trong báo cáo gần đây và chờ đợi các diễn biến chính thức để có các đánh giá chi tiết hơn.
Áp lực điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung và của ACB nói riêng trong 2 phiên cuối tuần đã lấy đi phần nào thành quả mà cổ phiếu này có được trong 2 phiên đầu tuần. Với 2 phiên tăng đầu tuần và 2 phiên giảm sau đó, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB chỉ tăng nhẹ 300 đồng/Cp (+1,22%) từ mức 24.500 đồng/Cp lên 24.800 đồng/Cp. So với mức giá kỳ vọng là 27.993 đồng/CP, giá hiện tại của ACB còn thấp hơn 12,88%.
Trong khi hầu hết các cổ phiếu họ bank đều điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần thì STB trở thành điểm sáng của nhóm nói riêng và của thị trường nói chung khi có cú đảo chiều ngoạn mục trong ngày 7/4. Tính chung cả tuần, STB đã có 3 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ ngày 5/4, tổng cộng, STB đã tăng tới 1.700 đồng/Cp (+14,85%) từ mức 11.450 đồng/Cp lên 13.150 đồng/Cp.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu C32
Chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh của C32 tiếp tục duy trì hiệu quả cao trong năm 2017 với doanh thu dự kiến đạt 620 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng, EPS forward đạt 9.800 đồng/cp. Với mức P/E forward năm 2017 khoảng 7 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu C32 là 68.600 đồng/cp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu C32 tại vùng giá hiện tại 49.000- 50.000 đồng/cp.
Trái với khuyến nghị của MBS, tuần qua, C32 đã có 3 phiên giảm và duy nhất 1 phiên tăng ngày 4/4. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu C32 đã giảm 1.000 đồng/Cp (-2,02%) từ mức 49.400 đồng/Cp xuống 48.400 đồng/Cp. So với mức giá kỳ vọng là 68.600 đồng/CP, giá hiện tại của C32 còn thấp hơn 43,8%.
* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu SCR
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu SCR với giá hợp lý theo phương pháp định giá NAV là 11.597 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá thị trường hiện tại 41%. EPS 2017 dự kiến đạt 871 đồng/cổ phiếu, P/E = 9.42, P/B = 0.87, ngang với mức trung bình của ngành bất động sản.
Cuối tuần trước, SCR đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2016 với tổng doanh thu đạt 774 tỷ đồng, tăng vọt 380% so với năm trước đó nhờ hoạt động kinh doanh địa ốc góp phần lớn (chiếm 83%). Thông tin này đã giúp SCR có 2 phiên tăng đầu tuần với thanh khoản cũng sôi động hơn, tuy nhiên, lực bán gia tăng trong 2 phiên cuối tuần đã khiến thành quả không được như kỳ vọng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCR tăng 450 đồng/Cp (+5,6%) từ mức 8.040 đồng/Cp lên 8.490 đồng/Cp.
* BSC khuyến nghị mua trung và dài hạn SAV
Chúng tôi khuyến nghị mua trung và dài hạn cổ phiếu SAV với giá mục tiêu 14.265 đồng/cp (tăng 51,75% so với mức giá đóng cửa ngày 31/3/2017) dựa trên 2 phương pháp định giá là FCFF và PE tỷ trọng 50 – 50.
Sau tuần liên tiếp giảm điểm vào cuối tháng 3, SAV đã hồi phục mạnh và tăng trần trong 3 phiên đầu tuần, cùng 1 phiên đứng giá vào cuối tuần ngày 7/4. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAV tăng 2.000 đồng/Cp (+21,28%) từ mức 9.400 đồng/Cp lên 11.400 đồng/Cp. So với mức giá kỳ vọng là 14.265 đồng/CP, giá hiện tại của SAV còn thấp hơn 25,13%.
* VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MSN
Chúng tôi điều chỉnh tăng 2% giá mục tiêu dành cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN) trước thông tin KKR sẽ sở hữu 7,5% cổ phần của Masan Nutri-Science (MNS) qua việc mua cổ phiếu sơ cấp trị giá 150 triệu USD. Tuy vậy, chúng tôi điều chỉnh giảm khuyến nghị cho MSN từ mua xuống khả quan vì giá cổ phiếu MSN đã tăng 13,5% kể từ báo cáo gần đây nhất của chúng tôi.
Không nằm ngoài sự phân tích và khuyến nghị của VCSC, tuầng qua, MSN đã có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN chỉ tăng nhẹ 250 đồng/Cp (+0,53%) từ mức 47.050 đồng/Cp lên 47.300 đồng/Cp.
* BSC khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn cân nhắc mua vào REE
Nhận định cổ phiếu REE đang trong quá trình trình điều chỉnh sau 2 lần chinh phục thất bại khu vự 26.8. Xu hướng điều chỉnh sắp thới có thể tiếp tục duy trì khi các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa cho thấy 1 sự tích cực trở lại trong xu hướng, xu hướng tăng trong trung hạn đang được hỗ trợ bởi đường MA(45).
Vì vậy, khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc tham gia trở lại REE khi cổ phiếu điều chỉnh trở lại các vùng giá chiết khấu trên mức 26 hoặc tiến sát về đường trung bình MA(45). Kỳ vọng tăng trưởng giá 28.6, thực hiện cắt lỗ nếu mất hỗ trợ 25.
Mùa Đại hội cổ đông thường niên 2017 đã đi vào giai đoạn sôi động và thị trường chứng kiến nhiều cổ phiếu đã tăng tốc sau cuộc họp này, tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào cũng có sự tăng trưởng tích cực, trong đó có REE. Trái với khuyến nghị của BSC, tuần qua, REE đã giảm liên tiếp 4 phiên, với tổng cộng mức giảm 750 đồng/Cp (-2,75%) từ mức 27.300 đồng/Cp xuống 26.550 đồng/Cp. .
* BSC khuyến nghị có thể mua vào cổ phiếu VC2
Nhận định cổ phiếu VC2 biến động về giá khá lớn trong tháng 3 khi thoát khỏi nền giá tích lũy dưới 16.6, tiếp cận thất bại khu vực kháng cự 19.7. Hiện tại VC2 đang có xu hướng điều chỉnh trở lại vùng 16.6 trong ngắn hạn. Thanh khoản eo hẹp có thể phát sinh rủi ro trong giao dịch.
Vì vậy, khuyến nghị xét về vận động giá nhà đầu tư có thể tham gia VC2 khi thanh khoản có dấu hiệu cải thiện hơn ở vùng giá hỗ trợ 15.5 -16.5, là vùng giá ổn định hình thành trước đó. Vùng giá kỳ vọng có thể quay lại khu vực đỉnh cũ 19.7, thực hiện cắt lỗ dưới mức 15.5.
Sau tuần cuối cùng của tháng 3 liên tiếp giảm điểm, cổ phiếu VC2 đã có những phiên hồi trong tuần qua. Cụ thể, với 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 1 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu VC2 tăng 300 đồng/Cp (+1,82%) từ mức 16.500 đồng/Cp lên 16.800 đồng/Cp.
* VCBS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VIS
VIS đang được giao dịch với mức PE dự phóng đạt 11,3 lần, khá cao so với mức trung bình ngành thép đang ở mức 6 lần. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư lớn, cùng với rủi ro pha loãng 50% trong quý III năm nay , rủi ro biến động khó lường hơn về giá thép và sự phụ thuộc về cả hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính vào công ty mẹ Thái Hưng, vì vậy chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với VIS.
Với 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng nhẹ vào cuối tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIS giảm nhẹ 100 đồng/Cp (-0,41%) từ mức 24.600 đồng/Cp xuống 24.500 đồng/Cp.