Khuyến nghị mua cổ phiếu SCR
CTCK BIDV (BSC)
Các dự án trọng điểm hiện tại của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã SCR) như Golden Silk, La Pointe, Carillon 5 đều đã mở bán và đạt kết quả bán hàng tốt.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có quỹ đất sạch lớn và đang đàm phán để triển khai các dự án gối đầu cho giai đoạn sau 2019.
Ngoài ra, một số điểm đáng lưu ý khác khi đầu tư vào SCR khác như kết quả kinh doanh 2017 và 2018 dự kiến khả quan; giá cổ phiếu đang ở mức đáy và chiết khấu cao so với giá trị sổ sách, P/B hiện tại = 0,6; tình hình tài chính lành mạnh như nợ vay ở mức an toàn, tiền mặt ghi nhận ở mức cao nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, rủi ro đầu tư là tính cạnh tranh cao ở tất cả các phân khúc sản phẩm do nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia triển khai dự án và tính chu kỳ của ngành bất động sản nói chung.
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu SCR với giá hợp lý theo phương pháp định giá NAV là 11.597 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá thị trường hiện tại 41%. EPS 2017 dự kiến đạt 871 đồng/cổ phiếu, P/E = 9.42, P/B = 0.87, ngang với mức trung bình của ngành bất động sản.
Khuyến nghị mua trung và dài hạn SAV
CTCK BIDV (BSC)
Do xử lý một số vấn đề tồn đọng của giai đoạn trước nên kết quả kinh doanh của CTCP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (mã SAV) trong 2 năm 2014 - 2015 kém khả quan, tình hình đã có cải thiện hơn trong năm 2016. Năm 2017 và các năm tới, SAV sẽ tập trung vào mảng hoạt động cốt lõi là đồ Gỗ nội thất xuất khẩu. ĐHCĐ 2017, SAV sẽ hoàn thành việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2016, số container thành phẩm đạt 1.091 conts (tăng 14% so với năm trước), cho thấy doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và thời hạn giao hàng phía đối tác. Năng suất lao động được cải thiện thành 2.000 USD/người/tháng (tăng trưởng 33,33%), mục tiêu năm 2017 SAV sẽ đạt 2.800 USD/người/tháng.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp đang có xu hướng tăng.; tỷ trọng chi phí hoạt động trên doanh thu giảm; vòng quay tiền (cash conversion cycle) đang giảm mạnh thể hiện thanh khoản tài chính và hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, điểm tích cực khác là thị trường Mỹ - EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của SAV, chiếm khoảng 53% tổng doanh thu 2016, biên lợi nhuận cũng tốt hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Phía SAV đang tích cực tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu trực tiếp đi Mỹ thay vì thông qua một công ty thương mại như hiện tại. Việc Tổng thống Trump đệ trình mức thuế 45% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (mức thuế trung bình hiện tại là khoảng 3%), cùng với việc nhân công Việt Nam giá rẻ và Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách Bảo vệ Rừng mở rộng cũng sẽ là động lực để sản xuất và xuất khẩu gỗ tại Việt Nam thu hút thêm nhiều đối tác Mỹ.
Chúng tôi khuyến nghị mua trung và dài hạn cổ phiếu SAV với giá mục tiêu 14.265 đồng/cp (tăng 51,75% so với mức giá đóng cửa ngày 31/3/2017) dựa trên 2 phương pháp định giá là FCFF và PE tỷ trọng 50 – 50.
Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MSN
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh tăng 2% giá mục tiêu dành cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN) trước thông tin KKR sẽ sở hữu 7,5% cổ phần của Masan Nutri-Science (MNS) qua việc mua cổ phiếu sơ cấp trị giá 150 triệu USD. Tuy vậy, chúng tôi điều chỉnh giảm khuyến nghị cho MSN từ mua xuống khả quan vì giá cổ phiếu MSN đã tăng 13,5% kể từ báo cáo gần đây nhất của chúng tôi.
KKR cũng sẽ mua lại từ quỹ đầu tư PENM Partners cổ phiếu thứ cấp MSN với tổng giá trị 100 triệu USD. Theo đó, sở hữu của MSN tại MNS sẽ giảm từ 89,4% xuống 82,4%. Điều này sẽ giúp MNS đẩy mạnh tiến độ triển khai mô hình “từ nông trại đến bàn ăn”, là trụ cột tăng trưởng của MSN.
Bên cạnh đó, khoản đầu tư của KKR đặt định giá của MNS ở mức 2 tỷ USD sau đầu tư, tương đương PER 2017 vào khoảng 25 lần, cao hơn nhiều so với PER mục tiêu 2016 của chúng tôi là 14 lần.
Hiện cổ phiếu MSN đang giao dịch ở mức PEG tương đối hấp dẫn là 0,8 nhờ tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận sau thuế và sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2016-2019 là hơn 20% theo dự báo của chúng tôi.