Không ngừng mở rộng, dù tăng trưởng chậm lại
Dịch bệnh Covid-19 bất ngờ đến và kéo dài làm thay đổi một số kế hoạch đã định trước, song các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã nhanh chóng thích nghi để “biến nguy thành cơ”, nhất là với khối nhân thọ nhờ nền tảng công nghệ sẵn có.
“Ngoại trừ một vài thay đổi nhỏ, đa số các kế hoạch tiếp tục được thực hiện. Việc tuyển dụng cũng như bán mới vẫn phát triển đều đặn ngay trong thời điểm đợt dịch thứ 2 bùng phát nhờ chuyển đổi kịp thời sang hình thức trực tuyến”, tổng giám đốc (CEO) một công ty bảo hiểm chia sẻ.
Cùng với thay đổi cách thức giao dịch, các doanh nghiệp bảo hiểm còn đẩy mạnh tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới thông qua hợp tác với các đối tác, tổ chức sở hữu hệ thống bán lẻ nhằm phát triển nguồn khách hàng tiềm năng trong thời gian tới.
Đơn cử, với mong muốn đem đến cho khách hàng cơ hội được tư vấn sản phẩm bảo vệ sức khỏe và tài chính ngay tại siêu thị gần nhất, Bảo Việt Nhân thọ và hệ thống siêu thị Viettelstore chính thức hợp tác triển khai bảo hiểm nhân thọ trên tất cả các kênh bán hàng.
Trong tháng 9 vừa qua, Bảo Việt Nhân thọ đã tiến hành phân phối sản phẩm thọ tại 19 điểm giao dịch của Viettel Store ở 8 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai và Bình Dương.
Hanwha Life Việt Nam cũng thông báo khai trương Văn phòng kinh doanh và Trung tâm phục vụ khách hàng Bình Thạnh nhằm phát triển hoạt động kinh doanh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Theo ông Im Dong Jun, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm CEO Hanwha Life Việt Nam, văn phòng kinh doanh mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ươm mầm và phát triển các hạt nhân kinh doanh mới, bao gồm Hanwha FTA (lực lượng tư vấn tài chính toàn thời gian), Hanwha Flexi (Tổng đại lý linh hoạt) và các dự án tổng đại lý mới.
“Trong 9 tháng qua, Hanwha Life Việt Nam đã khai trương 18 điểm phục vụ khách hàng, nâng tổng số điểm phục vụ khách hàng hiện hữu lên gần 170 điểm trên toàn quốc. Dự kiến đến cuối năm, Công ty sẽ có trên 180 điểm phục vụ khách hàng khắp cả nước”, ông Im Dong Jun thông tin.
Trong một diễn biến khác, sau gần 4 năm hợp tác cung cấp các giải pháp bảo vệ tài chính dành riêng cho cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Mai Linh, mới đây, Dai-ichi Life Việt Nam và tập đoàn này đã nâng tầm mối quan hệ lên bằng một hợp đồng hợp tác độc quyền dài hạn trong 15 năm.
Dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi một số kế hoạch đã định trước, song các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã nhanh chóng thích nghi để “biến nguy thành cơ”
“Nếu trước đây Mai Linh là khách hàng thì nay trở thành đại lý tổ chức của Dai-ichi Life. Giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ bán những sản phẩm bảo hiểm đơn giản như bảo hiểm tai nạn thông qua các ứng dụng (app) công nghệ của Mai Linh. Sau đó, đối tác này sẽ tái tiếp cận với những khách hàng đó để giới thiệu những sản phẩm phức tạp hơn”, ông Trần Đình Quân, CEO Dai-ichi Life Việt Nam chia sẻ.
Thực tế, bán bảo hiểm qua phần mềm gọi xe của các hãng xe công nghệ là hình thức khá phổ biến tại thị trường nước ngoài, nhưng ở Việt Nam là lần đầu tiên. Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về tính hiệu quả của mô hình bán bảo hiểm qua ứng dụng gọi xe này, ông Quân cho biết cần có thêm thời gian để kiểm chứng.
“Nhóm khách hàng đi xe thường trong thời gian ngắn nên việc tiếp cận trước bằng máy móc, công nghệ sẽ hợp lý hơn. Mặt khác, bán bảo hiểm qua ứng dụng gọi xe cũng là một cách để khách hàng có những trải nghiệm mới về bảo hiểm”, ông Quân nói.
Sẽ báo cáo tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm hàng năm
Nhờ sớm chuẩn bị và nhanh chóng thích nghi với tình hình mới nên có thể nói, bảo hiểm là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong các nhóm ngành kinh tế tính đến thời điểm hiện tại. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2020 tăng 12%). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; phi nhân thọ tăng 7%.
Tại hội nghị CEO nhân thọ lần thứ 27 tổ chức mới đây tại Hà Nội, các doanh nghiệp bảo hiểm thống nhất hàn năm sẽ báo cáo tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất để có cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động và chất lượng của đội ngũ đại lý.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết đã cùng các doanh nghiệp xây dựng xong công thức tính toán và bắt đầu thực hiện báo cáo từ cuối năm nay. Được biết, vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị năm ngoái nhưng chưa có kết quả.
Theo các chuyên gia trong ngành, yêu cầu thống nhất cách tính tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm và công bố tỷ lệ này hàng năm là cần thiết để các doanh nghiệp chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng đại lý tại doanh nghiệp, góp phần tăng tính minh bạch cũng như giúp thị trường bảo hiểm phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh đó, IAV cũng đã đưa ra một số đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới chính sách cũng như hoạt động bảo hiểm như cho phép doanh nghiệp mở thêm địa điểm thi tuyển đại lý, sửa lại quy định về trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh lãi suất trái phiếu tiếp tục xuống thấp...
Được biết, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các doanh nghiệp bảo hiểm để hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi...
Gần 30.000 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm được chi trả sau 8 tháng
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 8/2020, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm toàn thị trường ước đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2019; tổng nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm đạt 110.700 tỷ đồng, tăng 18,3%; tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành bảo hiểm đạt 422.700 tỷ đồng, tăng 15,2%; quỹ dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm đạt 338.400 tỷ đồng, tăng 23,8%...