Cần sớm xây dựng và ban hành quy định cụ thể đối với các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là kiến nghị của TS. Phan Phương Nam - Khoa Luật thương mại -Trường Đại học Luật TP.HCM tại buổi hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm được tổ chức tại TP.HCM sáng 2/10.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Theo TS. Nam, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ra đời nhằm mục đích hướng dẫn thi hành Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ có một số điểm mới như quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đây là điểm mới lớn nhất và rõ nét nhất trong Nghị định này.

Về cơ bản, các quy định này đã xác lập một cơ sở pháp lý khá tốt cho việc quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nhằm đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của dịch vụ này cũng như bảo vệ một cách hợp lý quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia trong dịch vụ này.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung nhằm thực hiện tốt hơn hoạt động quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động dịch vụ phụ trợ này.

Tuy nhiên, ngoài những điểm mới trên thì đối với dịch vụ này, tại thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn có nhiều bất cập và chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Theo quy định, một trong các nguyên tắc hoạt động của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là “tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm”. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ đó như thế nào thì pháp luật lại giao cho tổ chức cung cấp dịch vụ tự quy định.

Theo TS. Nam, điều này sẽ dẫn đến hệ quả là các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới gia nhập thị trường sẽ khó khăn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ có yếu tố nước ngoài (là công ty con của công ty nước ngoài, chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam) sẽ là các chủ thể có lợi thế vì có sự hỗ trợ từ các tiêu chuẩn đã có của họ, trong khi các tổ chức trong nước mới gia nhập thị trường sẽ lúng túng trong quá trình xây dựng.

Hơn nữa, việc chưa có quy định cụ thể, quy định chung và chuẩn cơ sở cũng sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước bởi có thể mỗi tổ chức cung cấp dịch vụ này sẽ xây dựng những tiêu chuẩn khác nhau.

Thêm một khó khăn nữa là theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới “phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”, còn đối với cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thì không xác định trách nhiệm phải xây dựng tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ.

“Vậy Bộ tài chính sẽ dựa vào cơ sở nào để giám sát việc chấp hành hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ của các cá nhân cung cấp dịch vụ này?”, TS. Nam băn khoăn.

Đối với quy định chủ thể hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp, nhiều ý kiến cũng băn khoăn đây là sản phẩm bắt buộc nên Bộ tài chính phải ban hành quy chuẩn. Bộ tài chính chưa ban hành quy chuẩn thì làm sao doanh nghiệp có thể thiết kế được sản phẩm…

Theo đại diện Bảo Minh, phải có cơ sở nào để xây dựng khung đo mức độ rủi ro và định lượng sản phẩm có đáp ứng được nhu cầu số đông không? “Doanh nghiệp cần có cơ chế chung từ trên đưa xuống sau đó doanh nghiệp sẽ theo quy định đó để phát triển sản phẩm này”, đại diện Bảo Minh nêu ý kiến.

Theo ông Đồng Hoàng Nam - Giám đốc cấp cao phòng pháp lý Prudential, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là vấn đề rất mới nên cần phải có cơ chế và khung pháp lý để thúc đẩy dịch vụ này phát triển.

Đối với quy định mua bảo hiểm trách nhiệm cho các tư vấn viên bảo hiểm độc lập, ông Nam cho rằng, đây là điều cần thiết để đảm bảo trách nhiệm của họ với khách hàng. Đồng thời, ông Nam cũng đề xuất, mức trách nhiệm bảo hiểm phải hài hòa để không trở thành gánh nặng cho các tư vấn viên bảo hiểm độc lập.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục