Tại cuộc họp CEO phi nhân thọ năm 2020 vừa tổ chức tại Hà Nội, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần cập nhật dữ liệu kịp thời đầy đủ theo đúng quy định của Nghị định 103/2008/NĐ-CP.
Hiệp hội cùng các doanh nghiệp cũng đang hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý khách hàng tập trung (CIC) để các doanh nghiệp cập nhật dữ liệu bồi thường bảo hiểm xe cơ giới của khách hàng có lịch sử tổn thất cao lên hệ thống phần mềm, từ đó có thể tra cứu lịch sử tổn thất của khách hàng ngay cả khi trước đó khách hàng tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp khác.
Số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 8/2020, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 35.979 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 6%, bồi thường 12.478 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 34,68% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Trong đó, Bảo hiểm xe cơ giới vẫn là nguồn thu số một của khối này với doanh thu đạt 11.137 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng trưởng 6%, bồi thường 5.172 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 46%.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.041 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8 %, tăng trưởng 21%, tỷ lệ bồi thường 17%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 8.095 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 23%, bồi thường 4.659 tỷ đồng.
Tại cuộc họp Hiệp hội bảo hiểm cũng khuyến nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới.
Theo Hiệp hội, hiện vẫn tồn tại tình trạng một số doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh không lành mạnh trong khai thác bảo hiểm xe cơ giới, điển hình các trường hợp đấu thầu áp dụng phí bảo hiểm vật chất xe ô tô thấp hơn phí thuần hoặc chào phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thấp hơn mức phí quy định của Bộ Tài Chính….
Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
Hiện Hiệp hội đang tiếp tục phối hợp với Cục quản lý giám sát bảo hiểm làm việc với các Bộ: Bộ GTVT, Bộ Công an… để thống nhất cách thức kiểm tra giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc điện tử (khi nghị định sửa đổi được Chính phủ đồng ý).