Sự tăng trưởng này sụt giảm nghiêm trọng so với các năm trước (năm 2008: 50%, năm 2009: 37%), trong khi đó, tỷ lệ bồi thường tăng lên. Tuy nhiên, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là một thị trường lớn, mang lại cơ hội tăng trưởng nhanh cho các DN bảo hiểm. Vì thế, không ít DN đang tập trung khai thác thị trường này.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 2.517 tỷ đồng, bồi thường đạt 1.074 tỷ đồng. Dẫn đầu doanh thu là Bảo Việt với 652 tỷ đồng, PJICO 374 tỷ đồng, Bảo Minh 301 tỷ đồng, PVI 292 tỷ đồng. Tỷ lệ bồi thường có rủi ro cao là Liberty 84%, Chartis 67%, Bảo Long 58%, SVI 54%, VIA 52%, Bảo Minh 49%, Bảo Tín 48%, Bảo Việt 45%, PJICO 45%, PVI 43%. Đặc biệt, đối với nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, có những DN có tỷ lệ bồi thường rất cao, hơn 500% - một tỷ lệ tổn thất đáng ngạc nhiên so với tình hình chung (Năm 2009, tại ABIC có tỷ lệ bồi thường trên 200%).
Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước nhận định, tình hình cạnh tranh bảo hiểm xe cơ giới đang vào hồi khốc liệt, nguyên nhân là do số lượng xe mua mới sụt giảm so với năm 2009. Trong tháng 7/2010, thị trường ôtô bước sang giai đoạn suy giảm, bất chấp các hình thức khuyến mãi giảm giá, tặng phí vẫn tiếp diễn mạnh mẽ. Với tổng số xe bán ra trong tháng 7 là 9.439 chiếc, doanh số ở các dòng xe đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dòng xe đa dụng giảm nhiều nhất, tới 20%, xuống 1.834 chiếc; xe du lịch giảm 13%, xuống 2.779 chiếc; xe thương mại giảm 10%, xuống 4.811 chiếc… Trong khi đó, nhiều xe bị đưa ra khỏi đối tượng bảo hiểm do đã cũ, giá trị xe tham gia bảo hiểm cũng giảm. Và một thực tế đáng buồn là sau một thời gian nâng phí bảo hiểm, các công ty bảo hiểm lại quay lại con đường cũ là hạ phí để giành khách. Thực tế, một số DN cỡ trung bình muốn tăng trưởng nhanh thì con đường dễ nhất là tập trung vào khai thác xe cơ giới.
Bảo hiểm xe cơ giới là thế mạnh của Tập đoàn
Để triển khai mạnh nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và duy trì thị phần, BIC đang đẩy mạnh chất lượng bồi thường, chăm sóc khách hàng để tăng tỷ lệ tái tục. Đồng thời, các cán bộ BIC cũng tích cực giới thiệu, chào sản phẩm khi cung cấp các loại hình sản phẩm bảo hiểm khác, tận dụng kênh phân phối qua ngân hàng để bán chéo sản phẩm. Trong khi đó, Bảo Minh sau khi sử dụng chương trình quản lý bảo hiểm tập trung do phần mềm tính toán phí bảo hiểm và in giấy chứng nhận thì tỷ lệ bồi thường kể cả các vụ bồi thường tồn đọng đã giảm rất mạnh, xuống còn 49%, nhưng doanh thu lại sụt giảm nhiều do DN cắt bỏ các đối tượng rủi ro cao và khách hàng kém.
Tại cuộc họp với Hiệp hội Bảo hiểm mới đây, các DN bảo hiểm đã có ý kiến đối với Thông tư 126 về bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cần có thêm một số quy định cụ thể và định nghĩa để tránh khách hàng tranh cãi. Ngoài ra, cần tính lại phí bảo hiểm cho xe cứu thương, vì hiện tại đang áp dụng như xe tải dưới 3,5 tấn là vô lý. Các DN cũng thống nhất là cần có quy trình bồi thường về trách nhiệm dân sự bắt buộc chung cho toàn thị trường để các công ty đăng tải trên trang web, cho khách hàng dễ theo dõi, kiểm tra… Để giảm thiểu rủi ro, một số công ty bảo hiểm đề xuất tính lại phí cho bảo hiểm thủy kích, vì phí hiện tại quá thấp và các công ty có các điều kiện bảo hiểm khác nhau…