Trái phiếu chính phủ
Điểm dễ nhận thấy trong bản dự thảo Thông tư nêu trên là hầu hết các quy định về mốc thời gian đều được quy định rõ ràng, cụ thể và rút ngắn hơn. Chẳng hạn, quy định về đăng ký và lưu ký trái phiếu, dự thảo Thông tư quy định, chậm nhất vào 11 giờ sáng ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày thanh toán tiền mua trái phiếu, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) thực hiện đăng ký trái phiếu được phát hành và gửi văn bản thông báo đăng ký trái phiếu đến Sở GDCK, thay vì quy định chung chung là vào ngày làm việc liền kề sau ngày thanh toán tiền mua trái phiếu.
Quy định về thời gian niêm yết và giao dịch trái phiếu cũng được rút ngắn. Theo đó, trái phiếu lưu ký và niêm yết sẽ được thực hiện trong cùng 1 ngày sau ngày thanh toán tiền mua trái phiếu và được chính thức giao dịch vào ngày liền kề tiếp theo. Như vậy, thời gian từ ngày thanh toán đến ngày trái phiếu được giao dịch chỉ còn 3 ngày, thay vì 4 ngày như quy định hiện hành.
Dự thảo Thông tư cũng quy định chặt chẽ hơn về chế độ báo cáo, trách nhiệm của các đơn vị liên quan cũng như vấn đề công bố thông tin. Cụ thể, ngoài các báo cáo như quy định hiện hành, dự thảo Thông tư quy định thành viên đấu thầu phải có báo cáo hàng quý, hàng năm.
Cùng với đó là những tiêu chí cụ thể để đánh giá, xếp hạng hàng năm đối với các thành viên đấu thầu. Trong trường hợp, các thành viên bị loại bỏ tư cách thành viên đấu thầu trong kỳ đánh giá năm 2013 sẽ được nộp hồ sơ trong năm 2014 để đăng ký trở thành thành viên đấu thầu trong năm 2015.
Trong khi quy định hiện hành, các thành viên bị rút tư cách thành viên đấu thầu do không tuân thủ các quy định của pháp luật về phát hành TPCP; không đáp ứng đủ điều kiện để duy trì là thành viên đấu thầu sẽ không được xem xét chấp thuận làm thành viên đấu thầu trong 2 năm liền kề tiếp theo.
Về trách nhiệm của các đơn vị liên quan, ngoài quy định trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước, Sở GDCK, VSD, dự thảo Thông tư còn quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính và thành viên đấu thầu.
Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2012/TT-BTC hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cũng có nhiều quy định mới về cơ chế phát hành, hạn mức cấp bảo lãnh, chế độ báo cáo và công bố thông tin.
Theo đó, đối với phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường trong nước, sau khi có văn bản phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cấp bảo lãnh và hạn mức bảo lãnh, Bộ Tài chính phát hành thư bảo lãnh để DN phát hành trái phiếu. Đối với phát hành trái phiếu được bảo lãnh ra thị trường quốc tế, quy trình cấp bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Căn cứ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các ngân hàng chính sách xây dựng kế hoạch nguồn vốn tín dụng mục tiêu cho năm sau, trong đó có nguồn vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường trong nước gửi Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ.
Về công bố thông tin, ngoài việc công bố thông tin theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu DN, DN phát hành trái phiếu được bảo lãnh phải công bố thông tin bổ sung về trái phiếu được bảo lãnh cho các NĐT đăng ký mua trái phiếu như: thông tin cơ bản về chương trình, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh (tên dự án, mục đích thực hiện dự án, tổng nguồn vốn thực hiện dự án, thời gian và tiến độ thực hiện dự án, cấu phần dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được bảo lãnh nếu có, thời gian dự kiến phát hành trái phiếu)…