Tiến độ rùa bò
Mới đây, nhiều khách hàng mua căn hộ tại Dự án Vinaland Tower, do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam (Vinaland) làm chủ đầu tư, đã căng băng-rôn trước UBND quận 7 để phản đối những khuất tất tại dự án này. Nguyên do bởi họ đã đóng tiền cho chủ đầu tư nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận nhà.
Dự án Vinaland Tower được xây dựng trên khu đất có diện tích 4.748 m2, gồm khối chung cư cao 23 tầng và 2 tầng hầm. Dự án cung cấp 295 căn hộ và 400 lô thương mại. Ở thời điểm ra mắt (năm 2017), Dự án nhận được sự chú ý của nhiều khách hàng nhờ có vị trí khá đẹp khi nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng nối dài, liền kề chợ Phước Long, kết nối trực tiếp với đô thị Phú Mỹ Hưng.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Vinaland cam kết sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý IV/2018. Tuy nhiên, sau đó Dự án liên tục bị gián đoạn thi công, cùng với đó là những lùm xùm liên quan đến nội bộ lãnh đạo của chủ đầu tư nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ Dự án.
Hiện nay, Dự án vẫn đang thi công ì ạch, được chủ đầu tư đổi tên thành Viva Plaza và tiếp tục rao bán. Nhiều khách hàng đã mua trước đó phản đối và tố cáo chủ đầu tư đang rao bán căn hộ của họ cho nhiều người.
Chung cảnh ngộ, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại Dự án Kingsway Tower (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng đang “khóc ròng” vì bỏ cả tỷ đồng để mua nhà, nhưng Dự án vẫn đang nằm “đắp chiếu”. Được biết, dự án này do Công ty TNHH Siêu Thành làm chủ đầu tư, khởi công năm 2018, dự kiến bàn giao nhà trong quý I/2019. Song đến nay, dù đã trễ hẹn gần 2 năm, Dự án vẫn chỉ là khối bê tông xám xịt.
Hay như tại Dự án Golden Mall tại quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức), do Công ty cổ phần Hải Nhân làm chủ đầu tư. Dù được phê duyệt từ năm 2008, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đền bù giải tỏa xong mặt bằng và nơi đây vẫn là bãi đất trống.
Khách hàng chịu thiệt
Khi dự án chậm tiến độ cũng có nghĩa là giấc mơ an cư của những khách hàng mua nhà ở đó bị treo. Thậm chí, chủ đầu tư và khách hàng còn kéo nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp.
Đơn cử, trường hợp của ông Trương Thế Việt, khách hàng mua 3 lô đất nền tại Dự án Golden Mall của Công ty cổ phần Hải Nhân. Sau thời gian dài phản ánh để đòi lại quyền lợi thì ông đã bị chủ đầu tư dự án kiện ra tòa, yêu cầu tuyên hủy hợp đồng giao kết giữa hai bên.
Theo đó, sau hơn chục năm đóng tiền cho Công ty Hải Nhân để mua 3 lô đất, nhưng dự án vẫn nằm bất động. Ông Việt cũng đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư giao nền đất theo cam kết nhưng không thành, nên đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành, yêu cầu làm rõ dự án có sai phạm hay không, lý do chậm trễ.
Ông Việt cũng gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan báo chí vì nhận thấy nhiều vấn đề khuất tất trong việc chủ đầu tư chậm triển khai dự án, trong huy động vốn và đặc biệt là có dấu hiệu chuyển nhượng dự án...
Cho rằng, việc làm của ông Việt đã làm ảnh hưởng đến mình nên Công ty Hải Nhân đã khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên hủy hợp đồng giao kết giữa hai bên. Cùng với đơn, Công ty Hải Nhân gửi kèm theo chứng cứ là các bài báo đã đăng và cho rằng khách hàng đã “cố tình phá hoại” uy tín Công ty.
Tòa án Nhân dân TP. Thủ Đức đã thụ lý vụ án dân sự này, nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa ra xét xử vì Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ pháp lý về dự án này.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, không chỉ ông Trương Thế Việt, mà nhiều khách hàng khác cũng đang mắc kẹt tại Dự án Golden Mall của Công ty Hải Nhân. Bởi trước khi dự án này được cơ quan chức năng phê duyệt, đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với nhiều khách hàng để phân phối hơn 100 nền đất.
Cụ thể, ngày 28/3/2006, đại diện chủ đầu tư là bà Nguyễn Ngọc Thanh Huyền, Giám đốc Công ty Hải Nhân đứng ra ký hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng là bà Lê Thị L.C, tổng giá trị hợp đồng là 858 triệu đồng. Đổi lại, Công ty Hải Nhân cam kết bàn giao lại cho khách hàng 1 nền biệt thự tại dự án với diện tích 200 m2. Thời gian thực hiện dự án và bàn giao nền cho khách hàng là 24 tháng kể từ khi ký hợp đồng, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư hạ tầng chính.
Tương tự, ngày 21/11/2006, Công ty Hải Nhân tiếp tục ký hợp đồng với bà Trần Thị Thu H. Đến năm 2010, bà H. bán lại lô đất này cho bà Đinh Thị T. với giá gần 1,2 tỷ đồng. Hai bên cùng ký giấy thỏa thuận đổi tên người tham gia hợp đồng, có văn bản xác nhận của chủ đầu tư.
Song song với việc thực hiện tiếp hợp đồng của bà H., bà T. còn tiếp tục nhận chuyển nhượng lại từ ông Hoàng T D. một hợp đồng tương tự mà trước đó người này đã ký với Công ty Hải Nhân từ năm 2007.
Sau khi thay thế bà H. và ông D. thực hiện hợp đồng, bà T. đã đóng tiền theo đúng thỏa thuận, tới nay đã gần 10 năm trôi qua, nhưng Công ty Hải Nhân vẫn chưa giao đất như cam kết trong hợp đồng đã ký.
Phóng viên Báo Đầu tư đã cố gắng liên hệ với đại diện Công ty Hải Nhân để có tiếng nói hai chiều nhưng đều bị lảng tránh. Trao đổi với phóng viên, các khách hàng đã nộp tiền cho biết, Công ty Hải Nhân có ý định trả lại số tiền đã nộp mà không muốn giao đất. Tuy nhiên, khách hàng không đồng ý, vì đến nay, sau hơn 10 năm, số tiền họ nộp đã mất giá rất nhiều, trong khi giá đất cũng tăng gấp nhiều lần.
Luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng Văn phòng luật sư Thanh Niên khẳng định, căn cứ vào những điều khoản trong Luật Kinh doanh bất động sản, việc Công ty Hải Nhân ký hợp đồng hợp tác với nhiều khách hàng để huy động vốn trong thời gian qua là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng khi bỏ tiền đầu tư tại dự án.
Theo luật sư Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM, cần có chế tài phạt thật nặng những dự án chậm tiến độ và những dự án không thực hiện, để chủ đầu tư ý thức được việc triển khai dự án theo tiến độ đã được cấp phép là nghĩa vụ của họ, cũng như tránh tình trạng kéo dài nhằm tìm cách chuyển nhượng dự án kiếm lời.