Khởi đầu ấn tượng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I đạt 8,84 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2021. Dệt may tiếp tục nằm trong Top các mặt hàng xuất khẩu đóng góp tỷ USD cho nền kinh tế.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận xét, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu, tuy nhiên, Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế.
“Các thị trường lớn như Mỹ, EU... đã mở cửa trở lại. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường”, ông Cẩm kỳ vọng.
Kim ngạch xuất khẩu của một số doanh nghiệp dệt may (triệu USD). Nguồn: BSC tổng hợp. |
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán BSC cho biết, hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn đặt hàng đến quý II/2022, thậm chí sang quý III/2022.
“Các thương hiệu thời trang lạc quan về triển vọng bán hàng khi nhu cầu mua sắm sau đại dịch tiếp tục tăng trưởng, cùng với xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam tiếp diễn sẽ đảm bảo giá trị đơn hàng tăng trưởng tích cực trong năm 2022”, báo cáo viết.
Bên cạnh xu hướng dài hạn là chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn vẫn đang diễn ra, BSC kỳ vọng trong năm 2022, Việt Nam được hưởng lợi so với các quốc gia đối thủ (Bangladesh, Myanmar) nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao và ổn định chính trị.
Thông tin được các doanh nghiệp dệt may niêm yết trên sàn chứng khoán công bố cũng cho thấy bức tranh xuất khẩu tích cực trong các tháng đầu năm. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm của Công ty cổ phần sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã chứng khoán GIL) tăng 149%.
Cùng thời gian này, doanh thu xuất khẩu Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) ghi nhận mức tăng 36%; Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) ghi nhận mức tăng 18%; Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) tăng 17%...
Đặt mục tiêu cao
Ngày 24/4 tới, TNG sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Theo tài liệu được công bố, Công ty sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu dự kiến đạt 5.990 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 279 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 10% và 20% so với năm trước.
Công ty đã có bước khởi đầu thuận lợi khi ghi nhận doanh thu 1.258 tỷ đồng trong quý I, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ và hoàn thành 21% kế hoạch cả năm. Hiện đơn hàng TNG nhận được đã kín hết quý III/2022. Đây là điều hiếm khi xảy ra với các doanh nghiệp ngành may trong những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG thông tin, năm 2021, TNG đã đưa vào vận hành các nhà máy mới để gia tăng công suất cũng như đa dạng hóa sản phẩm, có thể kể đến nhà máy Võ Nhai 2, nhà máy Phú Bình và nhà máy Sông Công với trên 60 dây chuyền may. Giai đoạn 2022 - 2023, TNG dự kiến tiếp tục đưa các nhà máy mới như Đồng Hỷ 2 và Đại Từ 2 vào hoạt động và cung cấp thêm 42 chuyền may mới.
Không riêng TNG, May 10 cũng đang triển khai kế hoạch mở rộng nhà máy, tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, công ty sẽ mở thêm 3 nhà máy, tuyển thêm từ 3.000 - 5.000 lao động cho dự án tại Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Bình. Ngoài phục vụ cho những đơn hàng được phục hồi trong năm 2022, Công ty sẽ đón đầu cả những đơn hàng mới và tự chủ về nguồn hàng, sản xuất.
“Toàn bộ mặt hàng truyền thống của May 10 đều đã kín đơn hàng đến hết tháng 6/2022, một số mặt hàng như veston đã có đơn hàng đến hết tháng 9/2022. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục hoàn toàn, thậm chí đơn hàng còn tăng vượt năng lực sản xuất”, ông Việt cho biết.
Tổng công ty May 10 (mã chứng khoán M10) đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 8,6%, song lợi nhuận kỳ vọng tăng trưởng tới 31,9%, tương ứng 120 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu hiện nay của May 10, thị trường xuất khẩu đóng góp tỷ trọng chủ yếu, với 80%. May 10 cho biết, trong năm nay, Công ty sẽ cố gắng cân bằng lại 3 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sau thời gian dịch bệnh nhiều biến động.
Tại thị trường nội địa, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, mở rộng thị phần, tập trung chính vào dòng thời trang công sở và ra mắt thêm các dòng sản phẩm mới.
Với TCM, mục tiêu năm nay là đạt doanh thu 4.183 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 253,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,3% và 76,7% so với kết quả thực hiện trong năm ngoái.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, TCM sẽ đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại Khu công nghiệp Hòa Phú (tỉnh Vĩnh Long) với 1.500 công nhân, công suất 9 triệu sản phẩm/năm.
Tại May Sông Hồng, Tổng giám đốc Bùi Việt Quang cho biết, Công ty dự kiến kế hoạch kinh doanh năm 2022 sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu chủ yếu mà Công ty hướng tới vẫn là Mỹ.
Việc đưa vào hoạt động Nhà máy Sông Hồng 10 dự kiến sẽ giúp May Sông Hồng tăng tổng công suất đơn hàng FOB thêm 30%. SSI Research kỳ vọng, trong năm nay, công ty này sẽ ghi nhận doanh thu tăng trưởng 21%, còn lợi nhuận tăng trưởng 15% so với năm 2021.
Thêm dư địa tăng trưởng từ mảng bất động sản
Bên cạnh ngành nghề kinh doanh cốt lõi, xu hướng doanh nghiệp dệt may tham gia vào thị trường bất động sản đang tiếp tục diễn ra. Năm 2022, TNG đặt mục tiêu sẽ mở bán và lấp đầy Cụm công nghiệp Sơn Cẩm, ngoài ra tiếp tục triển khai đầu tư dự án TNG Village 2, Khu đô thị Đại Thắng, Khu đô thị Hồng Tiến, Tòa nhà TNG Landmark… với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận bình quân dự kiến 175%/năm.
TNG cho biết sẽ thu xếp vốn cho từng dự án bằng cách đồng hành cùng các ngân hàng, phát hành trái phiếu riêng lẻ cho từng dự án, hoặc hợp tác liên doanh liên kết với các công ty khác...
Trong khi đó, TCM định hướng ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án bất động sản TC1, nhằm gia tăng lợi nhuận cho Công ty trong những năm tiếp theo. Trong dài hạn, Công ty có kế hoạch phát triển tiếp các dự án TC2 và TC3.
Tương tự, năm 2022, GIL tập trung triển khai dự án Khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên - Huế có quy mô 460 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng; dự án khách sạn tại Bình Dương. Ngoài ra, Công ty sẽ đề xuất đầu tư khu công nghiệp 720 ha tại Quảng Ngãi.