Dệt may bận rộn với đơn hàng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đa số doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất tốt trong quý III/2021, nên khi biện pháp giãn cách dần được gỡ bỏ từ đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp bận rộn hơn trong việc đáp ứng đơn hàng.
TNG, TCM… đang mở rộng quy mô nhà máy may. TNG, TCM… đang mở rộng quy mô nhà máy may.

Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Quý III/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may không bị ảnh hưởng nhiều.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu toàn ngành trong quý III/2021 đạt 10,179 tỷ USD, chỉ giảm 0,91% so với quý II/2021 và giảm 2,07% so với quý III/2020. Lũy kế 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 29,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại miền Bắc, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ít hơn so với miền Nam nên đa số doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất tốt trong quý III.

Nhiều doanh nghiệp có thêm đơn hàng từ các vùng khác tại châu Á do các thị trường đó chưa kiểm soát được dịch bệnh. Chính vì vậy, những doanh nghiệp dệt may lớn và uy tín đang có đơn hàng dồi dào.

Theo dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý IV/2021 và đầu năm 2022 của Navigos Group, có những công ty dệt may tại miền Bắc đã nhận đơn hàng tới tháng 4/2022 và cần tuyển thêm lao động.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư TNG (TNG) cho biết, trong quý III/2021, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 85,2 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 9/2021, TNG đã hoàn thành 96% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Bên cạnh nỗ lực tự thân, môi trường kinh doanh và kiểm soát dịch bệnh tốt tại Thái Nguyên đã đem đến ưu thế cho doanh nghiệp. TNG đã nhận được nhiều đơn hàng chuyển dịch từ các quốc gia và các tỉnh vùng dịch.

Đặc biệt, nhu cầu mua hàng của các hãng thời trang sau thời gian giãn cách tăng lên. Việc Công ty liên tục mở rộng các nhà máy và tăng số lượng chuyền may là nhằm đáp ứng xu hướng này.

“Đơn hàng tăng mạnh nên ngoài các nhà máy hiện hữu, trong năm 2021, TNG đã mở rộng nhà máy Phú Bình thêm 22 chuyền may, đưa vào hoạt động giữa tháng 10. Nhà máy Sông Công mở rộng với 22 chuyền may nữa đang được xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2021”, ông Thời chia sẻ.

TNG hiện đã cơ bản hoàn thành việc phân giao kế hoạch năm 2022 cho các nhà máy, chi nhánh, với doanh thu may 6.421 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 498 tỷ đồng. Kế hoạch đến năm 2025, TNG dự kiến đạt doanh thu 11.926 tỷ đồng, lợi nhuận 1.173 tỷ đồng, gia nhập “câu lạc bộ doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ”.

Nhờ tận dụng tối đa cơ hội thị trường, đẩy nhanh công suất, Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2021 đạt 118,8 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ năm 2020. Theo ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc MSH, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng từ đầu năm 2021 và đã có đơn hàng ổn định đến giữa năm 2022.

Đối với các doanh nghiệp phía Nam, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong quý III gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đơn cử, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu thuần 783 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ ròng 3 tỷ đồng. Nguyên nhân là do phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/7 nên năng suất lao động không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM chia sẻ, Công ty đang nỗ lực đẩy mạnh công suất hoạt động nhằm đáp ứng tốt đơn hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý II/2022. TCM cũng đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục