Dệt may 2015 dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt

(ĐTCK) Để đón đầu Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do, nhiều công ty nước ngoài đã và đang có những hoạt động đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam. Tính đến cuối năm 2014, có khoảng 20 dự án FDI lớn đầu tư vào ngành dệt may ở tất cả các khâu từ kéo sợi đến đan, dệt, nhuộm, thiết kế và may mặc.
sự tham gia của các doanh nghiệp FDI sẽ gây sức ép cạnh tranh về đơn hàng xuất khẩu với các doanh nghiệp nội địa sự tham gia của các doanh nghiệp FDI sẽ gây sức ép cạnh tranh về đơn hàng xuất khẩu với các doanh nghiệp nội địa

LTS: Nhằm giúp bạn đọc và các nhà đầu tư có thêm thông tin về các ngành, lĩnh vực liên quan đến hoạt động đầu tư của mình, từ số báo này, Báo ĐTCK phối hợp với CTCK Rồng Việt khởi đăng loạt bài về phân tích ngành. Hơn 20 bài, đăng trên số báo ra thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, sẽ phân tích và nhận định cơ hội - rủi ro của từng nhóm ngành có cổ phiếu niêm yết dưới góc nhìn của người tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Triển vọng ngành

Ngành dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ sau ngành điện tử về giá trị xuất khẩu hàng năm. Giai đoạn 2010 - 2014, kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 21,6%/năm.

Dệt may 2015 dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt ảnh 1
Năm 2015, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, EU và Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan được ký kết, cơ hội tăng trưởng cho hàng dệt may Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Trong đó, trừ Hiệp định TPP, các hiệp định nói trên đều đã kết thúc đàm phán để tiến tới ký kết trong năm 2015.
Tuy nhiên, trong những kỳ đàm phán gần đây, Mỹ cũng đã có nhiều động thái để đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định TPP. Cùng với các hiệp định này, thuế suất đối với hàng dệt may xuất khẩu vào các thị trường chính như Mỹ (trung bình 17 - 18%), EU (trung bình 10 - 12%), Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được giảm dần theo lộ trình về 0%. Điều này có thể giúp tăng tính cạnh tranh về giá của hàng dệt may Việt Nam, qua đó gia tăng số lượng đơn hàng cũng như doanh thu cho các doanh nghiệp trong ngành.
Thực tế, xu hướng chuyển dịch đơn hàng đã bắt đầu từ 2 năm qua, với giá trị xuất khẩu năm 2013 và 2014 tăng lần lượt 17,5% và 19%. Khi việc ký kết các hiệp định đã đến gần, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn mạnh mẽ trong năm nay. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2015 dự báo tăng khoảng 16%, đạt hơn 28 tỷ USD.

Dệt may 2015 dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt ảnh 2
Sức khỏe của các nền kinh tế lớn cũng có ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam. Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, các nền kinh tế đầu tàu thế giới đang có những tín hiệu hồi phục tích cực. Cụ thể, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam (46,9%), tăng trưởng GDP 2,4% trong năm 2014.
Dù kinh tế EU và Nhật Bản vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang hai thị trường này vẫn đạt mức tăng trưởng khá, lần lượt 22,8% và 10,3%. Dưới tác động của các gói nới lỏng định lượng gần đây, có thể kỳ vọng hai nền kinh tế này sẽ có những hồi phục tích cực.
Nhìn chung, nhu cầu đối với hàng dệt may Việt Nam tại ba thị trường lớn này được dự báo tiếp tục tăng trưởng khá trong năm nay. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng ở các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản lần lượt đạt 13%, 17% và 9% trong năm 2015.

Dệt may 2015 dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt ảnh 3
Bên cạnh đó, xu hướng giá duy trì ở mức thấp của các nguyên phụ liệu đầu vào như sợi (sợi tổng hợp và sợi bông), vải có thể tiếp diễn, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp dệt may trong năm 2015. Tuy nhiên, tác động của giá đầu vào đến từng doanh nghiệp sẽ khác nhau.
Cụ thể, các doanh nghiệp chuyên sản xuất nguyên phụ liệu như xơ, sợi sẽ không được hưởng lợi nhiều như các doanh nghiệp ngành may do nhu cầu đối với hàng may mặc tương đối ít co giãn theo giá.
Dù vậy, việc giảm giá của vải, đầu vào trực tiếp của ngành may, sẽ có độ trễ nhất định so với xơ, sợi. Ngược lại, việc tăng chi phí lương do tác động của việc tăng lương cơ bản (tăng 15%, áp dụng từ 1/1/2015) và nhu cầu về lao động trong ngành càng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dệt may 2015 dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt ảnh 4
Để đón đầu Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do, nhiều công ty nước ngoài đã và đang có những hoạt động đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam. Tính đến cuối năm 2014, có khoảng 20 dự án FDI lớn đầu tư vào ngành dệt may ở tất cả các khâu từ kéo sợi đến đan, dệt, nhuộm, thiết kế và may mặc.
Trong đó, một số dự án sẽ bắt đầu hoạt động từ năm nay như dự án của Yulun Giang Tô (Trung Quốc) hay Nam Phương Textile (Hồng Kông). Các dự án này có thể góp phần gia tăng nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đây là điều cần thiết để các doanh nghiệp dệt may đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ của các hiệp định thương mại và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 70%).
Tuy nhiên, về dài hạn, sự tham gia của các doanh nghiệp FDI sẽ gây sức ép cạnh tranh về đơn hàng xuất khẩu với các doanh nghiệp nội địa. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chóng gia tăng năng lực sản xuất để giữ chân khách hàng và duy trì thị phần.

Dệt may 2015 dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt ảnh 5
Thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã tiến hành đầu tư thêm theo 4 xu hướng đầu tư chính: (1) mở rộng năng lực gia công hiện hữu (may, thêu); (2) hoàn thiện chu trình sản xuất (xe sợi, dệt, nhuộm); (3) phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn (từ CMT lên FOB và ODM); (4) xây dựng hệ thống bán lẻ để khai thác thị trường nội địa.
Trong đó, việc đầu tư nhằm hoàn thiện chu trình sản xuất không dễ thực hiện do các yêu cầu khắt khe về môi trường trong ngành dệt nhuộm và khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ thiết kế. Tương tự, việc khai thác thị trường trong nước khá khó khăn do thu nhập đại bộ phận người dân chưa cao và chi phí đầu tư xây dựng hệ thống phân phối là rất lớn.
Có thể nói, lãi suất thấp cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư mới của Chính phủ mới chỉ giúp giải quyết vấn đề về tài chính cho ngành dệt may. Hiệu quả đầu tư cuối cùng vẫn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm quản lý và khả năng nắm bắt thị trường của từng doanh nghiệp.

Chọn lọc doanh nghiệp

Như đã phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp dệt may có thị trường xuất khẩu chính là các nước trong TPP, EU và Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc ký các hiệp định thương mại trong năm 2015. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, công nghệ tốt và có dự án đầu tư mở rộng sắp hoàn thành sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt hơn những doanh nghiệp nhỏ nhờ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn và các yêu cầu khắt khe về chất lượng, xuất xứ sản phẩm.

Thêm vào đó, do đặc thù của ngành dệt may là sử dụng nhiều nhân công, chúng tôi cũng ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực quản lý sản xuất tốt, thể hiện qua khả năng sắp xếp và cải tiến các khâu sản xuất để cải thiện năng suất, gia tăng biên lợi nhuận.

CTCK Rồng Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục