Đề xuất phát triển thị trường bất động sản logistics

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyên gia kinh tế - GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, Hà Nội đã có 10 khu công nghiệp đang vận hành, 3 khu công nghiệp đang hoàn thiện và đến năm 2030 sẽ có 33 khu công nghiệp, nhưng hiện tại chưa hề có bất động sản logistics...
GS TS Đặng Đình Đào trình bày tham luận tại Hội thảo sáng 16/12 (Ảnh: M.Minh) GS TS Đặng Đình Đào trình bày tham luận tại Hội thảo sáng 16/12 (Ảnh: M.Minh)

Chưa khai thác hết tiềm năng logistics

Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Logistics vùng đồng bằng Sông Hồng" do Trường Đại học Thủ Đô tổ chức sáng 16/12, GS.TS. Đặng Đình Đào, chuyên gia kinh tế logistics của Đại học Kinh tế quốc dân đã đề cập vấn đề phát triển hệ thống logistics, với ý nghĩa là giải pháp mang tính đột phá góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng Sông Hồng.

Theo vị chuyên gia, đồng bằng sông Hồng là đồng bằng châu thổ lớn thứ hai của nước ta, có nhiều lợi thế về cả tự nhiên và kinh tế, xã hội. Những năm qua khu vực này đạt được nhiều chỉ tiêu tích cực về phát triển kinh tế -xã hội nhưng vẫn còn khiêm tốn.

Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhận định: “tăng trưởng kinh tế của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm; các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Cơ cấu thu ngân sách ở một số địa phương chưa bền vững. Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị; tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn khá phổ biến. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành..."

Đặc biệt, ông Đào cho rằng, hệ thống logistics vùng chưa khai thác hết được lợi thế địa - kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao.

Những tồn tại, bất cập này dẫn đến chi phí logistics, đặc biệt là giá cước vận tải biển tăng cao gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu; hệ thống logistics chưa thực sự phát huy vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững ở các địa phương.”

Đáng lưu ý, đến nay bộ phận chuyên trách về logistics tại Bộ Công thương và các Sở Công thương ở các địa phương chưa được thành lập nên công tác điều phối và phát triển logistics quốc gia còn hạn chế. Thành phố Hà Nội vẫn chưa có trung tâm logistics và khu công nghiệp logistics nào để thu hút đầu tư logistics; trong khi đã có 10 khu công nghiệp chính thức đi vào hoạt động, 3 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và định hướng đến năm 2030, thành phố được quy hoạch 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 7.074 ha.

"Rất đáng tiếc là vẫn chưa thấy khu công nghiệp logistics xuất hiện trong các quy hoạch của Thành phố", ông Đào nói và nhấn mạnh, điều này làm thất thu dịch vụ logistics, dịch vụ hải quan... và làm tăng chi phí logistics, giảm khả năng cạnh tranh các sản phẩm của doanh nghiệp.

Hội thảo khoa học quốc gia "Logistics vùng đồng bằng Sông Hồng" do Trường Đại học Thủ Đô tổ chức sáng 16/12

Hội thảo khoa học quốc gia "Logistics vùng đồng bằng Sông Hồng" do Trường Đại học Thủ Đô tổ chức sáng 16/12

Sớm xây dựng quy hoạch logistics vùng, hiện đại hoá đường sắt, phát triển bất động sản logistics

GS Đặng Đình Đào cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao...; giai đoạn 2021 - 2030 tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm; đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành)..., thì cần chú trọng phát triển các giải pháp logistics.

Thứ nhất, cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức logistics, đặc biệt là vai trò của hệ thống logistics trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của 11 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo ông Đào, vẫn còn không ít cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cho rằng logistics là dịch vụ giao nhận, vận tải và không liên quan đến dự trữ quốc gia, tài chính... Trong khi đó, nguyên lý của logistics là: “Quá trình sản xuất sản phẩm chỉ kết thúc khi sản phẩm, hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng trong và ngoài nước”.

Thứ hai, cần sớm xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống logistics của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển hiện có của các địa phương trong vùng cho phù hợp, nhất là các quy hoạch về hệ thống thương mại, giao thông vận tải và công nghệ thông tin; tích hợp hệ thống cảng cạn ICD với các trung tâm logistics hay khu công nghiệp logistics.

Thứ ba, cần sớm xây dựng quy hoạch và có chính sách đầu tư xây dựng các trung tâm logistics để kết nối các địa phương của vùng đồng bằng sông Hồng, khai thác hiệu quả các tuyến hành lang kinh tế trên địa bàn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các ngành và địa phương.

Các trung tâm logistics cần được xây dựng tại các điểm kết nối các loại phương tiện vận tải mà các địa phương, vùng đang sở hữu như đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không… và phải được quy hoạch với tầm nhìn 50 năm đến cả 100 năm, xây dựng với quy mô như các khu công nghiệp hiện nay đối với trung tâm logistics (hạng 1);

Không nên chỉ đơn thuần là mở rộng thêm một số chức năng của các ICD hiện có, để thu hút các tập đoàn logistics của khu vực, thế giới, các doanh nghiệp logistics trong nước vào đầu tư, kinh doanh, qua đó để hiện thực hóa liên kết kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng, tránh kiểu liên kết kinh tế mang tính hành chính và hình thức.

Thứ tư, các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng cần chính sách ưu tiên đất đai đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, phát triển các bất động sản logistics và thị trường bất động sản logistics trong vùng.

Cần có chính sách ưu tiên đất đai đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, phát triển các bất động sản logistics và thị trường bất động sản logistics trong vùng.

GS.TS Đặng Đình Đào

Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt nối các cảng biển quốc tế, với các trung tâm logistics, kết nối các phương tiện vận tải với các trung tâm này, áp dụng mô hình quản lý phù hợp và hiệu quả đối với các trung tâm, phát triển hệ thống đường gom ở các địa phương…

Thứ năm, phát triển hệ thống logistics vùng vùng đồng bằng sông Hồng phải hướng tới mục tiêu hiện thực hóa liên kết kinh tế giữa các ngành, địa phương và doanh nghiệp, các hành lang kinh tế nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của vùng.

Thứ sáu, ưu tiên tập trung đầu tư phát triển và hiện đại hóa hệ thống đường sắt theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng hệ thống đường sắt kết nối với các cửa khẩu quốc tế. Trước hết cần ưu tiên tập trung đầu tư tuyến đường sắt Bắc-Nam, liên vận quốc tế sang Trung Quốc và Châu Âu; hiện đại hóa theo chuẩn quốc tế tuyến đường sắt kết nối cửa khẩu quốc tế Lạng Sơn, Cảng biển quốc tế Hải Phòng…).

Ngoài ra, cần khai thác hiệu quả tuyến đường biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là giải pháp đột phá để giảm chi phí logistics, cơ cấu và tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất lớn, tạo đầu mối nguồn hàng lớn cho xuất khẩu chính ngạch.

"Đây là giải pháp rất cần thiết và cấp bách trong bối cảnh mới của vùng", ông Đào nói và nhấn mạnh, hệ thống hạ tầng logistics cần phải được kết nối đa phương thức nhưng hiện nay mới chỉ tập trung vào đường bộ và đường hàng không.

Cuối cùng, vị chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics Việt Nam vì nguồn nhân lực này cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp đang yếu cả về số lượng và chất lượng nhưng lại chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Còn nhiều rào cản trong đào tạo ngành logistics

Trao đổi với Báo Đầu tư - Đầu tư Chứng khoán bên lề Hội thảo, GS.TS Đặng Đình Đào nhận định, ngày nay, ngày càng nhiều người nhận thức được rằng, quá trình sản xuất chỉ kết thúc khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Đó là lý do ngành logistics ngày càng trở nên "hot", nhu cầu lớn, tốc độ phát triển tăng gấp đôi tốc độ phát triển nền kinh tế.

GS.TS Đặng Đình Đào trả lời PV bên lề hội thảo (Ảnh: M.M)

GS.TS Đặng Đình Đào trả lời PV bên lề hội thảo (Ảnh: M.M)

Nhu cầu lớn đó đặt ra vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nhân lực ngành logistics. Tuy nhiên thực trạng đào tạo logistics hiện còn đang gặp nhiều rào cản: đội ngũ giáo viên hạn chế (chủ yếu từ ngành khác chuyển sang, chưa được đào tạo bài bản), chương trình chưa thống nhất (mã ngành logistics nằm trong ngành Quản lý Công nghiệp)...

Quá trình đào tạo logistics trong thời gian tới cần tập trung vào 3 mảng: đào tạo cán bộ logistics trong các cơ quan quản lý, bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ logistics trong các doanh nghiệp ngành này và đào tạo cán bộ phụ trách logistics tại các doanh nghiệp sản xuất để đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp.

"Đặc biệt, trong bối cảnh thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cần chú ý cả quá trình "logistics ngược", nghĩa là xử lý sản phẩm tái chế, sản phẩm trả lại và điều này cũng cần có sự đào tạo bài bản, ông Đào nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục