Doanh nghiệp logistics cạnh tranh giành đơn hàng

0:00 / 0:00
0:00
Thương mại toàn cầu giảm mạnh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp logistics, nên các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh gay gắt để có được đơn hàng.
Doanh nghiệp logistics cạnh tranh giành đơn hàng

Cạnh tranh gắt gắt giành đơn hàng

Báo cáo mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) về tình hình phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy, Việt Nam có 34.476 doanh nghiệp dịch vụ logistics với 563.354 lao động.

Thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL, trong đó có những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới như DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker...

“Thị trường kém khả quan, thương mại toàn cầu chậm lại, sức mua yếu… đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, nên tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng trở nên gay gắt hơn”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nói.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, hạn chế cả về vốn, nhân lực và kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa, như vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ thuê chỗ trên tàu...

Theo các chuyên gia thương mại, so với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ nhiều kết cấu hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics (trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển, cảng cạn, sân bay, đường sắt, toa xe, xe tải...), đồng thời có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa.

Dù vậy, hoạt động còn đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.

Việc đưa vào thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và dự kiến đầu năm 2024 có thêm FTA với Israel, với các cam kết của Việt Nam về dịch vụ logistics đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài liên tục tăng trưởng, qua đó tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động logistics phát triển.

Tuy nhiên, đi kèm theo đó là mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gay gắt hơn; hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế, khả năng tiếp cận thị trường logistics nước ngoài bị hạn chế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Năm 2022 và 9 tháng năm 2023, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần thực thi hiệu quả các FTA.

Mặc dù chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng ngành logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng với tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với những năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến ngày 15/11/2023 đạt gần 600 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 306 tỷ USD.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2023 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 43 trong Bảng Xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm đạt 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2021.

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, sự lên ngôi của thương mại điện tử và các FTA, Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… tiếp tục là động lực chính cho ngành logistics tăng trưởng.

Nhưng, trước những yêu cầu mới về thương mại xanh, cắt giảm phát thải và tăng trưởng bền vững, dịch vụ logistics cũng chịu sức ép mới. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao thông, an toàn lao động cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới.

Minh chứng là, khi thuê ngoài dịch vụ, các doanh nghiệp logistics toàn cầu yêu cầu tiêu chuẩn khí thải, đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải tăng tốc đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa” (từ vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh), nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng xu thế phát triển bền vững.

Với đặc thù quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mở rộng thị trường, doanh thu. Do đó, nâng cao năng lực doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phải là cốt lõi trong chiến lược phát triển ngành logistics.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục