Quy hoạch các trung tâm logistics hiện chưa quan tâm tới nhu cầu của doanh nghiệp

Việc quy hoạch các trung tâm logistics chưa quan tâm tới nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến nơi cần không có, chỗ không cần lại quy hoạch. Sự bất cập này khiến nhà đầu tư ngập ngừng trước các dự án trung tâm logistics, dù có nhu cầu rất lớn.
Quy hoạch các trung tâm logistics hiện chưa quan tâm tới nhu cầu của doanh nghiệp

Chưa quan tâm tới nhu cầu của nhà đầu tư

“Quy hoạch các trung tâm logistics hiện nay không theo sát nhu cầu thực tế. Đơn cử như vùng khu công nghiệp nằm ở một nơi, tất cả hàng hóa và nguồn hàng tiêu thụ nằm ở quanh khu công nghiệp, nhưng địa phương lại quy hoạch trung tâm logistics ở nơi khác”, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group trao đổi về các điểm nghẽn của ngành logistics hiện nay.

Đúng như doanh nghiệp phản ánh, việc quy hoạch các trung tâm logistics chưa quan tâm tới nhu cầu của doanh nghiệp, nên nhiều trung tâm được quy hoạch với diện tích rất lớn, nhưng không doanh nghiệp nào đến đầu tư. Đây là thực trạng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại khu vực phía Nam - nơi có lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn.

Chẳng hạn, đầu tàu kinh tế TP.HCM đã quy hoạch 7 trung tâm logistics trải đều tại các cửa ngõ để phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Thành phố cũng đưa ra một số chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào các trung tâm logistics này. Song đến nay, chưa có trung tâm nào được khởi công xây dựng.

Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều có quy hoạch các trung tâm logistics quy mô lớn, nhưng chưa có nhà đầu tư nào rót vốn vào. Trong đó, Đồng Nai quy hoạch tổng kho trung chuyển miền Đông diện tích 614 ha ngay cạnh ga Trảng Bom. Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đã quy hoạch Trung tâm logistics Cái Mép Hạ diện tích hơn 1.700 ha, tổng mức đầu tư 19.200 tỷ đồng.

Theo bà Huệ, có một thực trạng hiện nay là địa phương thấy chỗ nào đất trống thì quy hoạch thành trung tâm logistics, tức là chỗ doanh nghiệp cần trung tâm logistics thì không có, chỗ không cần thì địa phương lại quy hoạch. Dẫn câu chuyện từ chính doanh nghiệp của mình, bà Huệ cho biết, Wester Pacific đang rất vất vả trong việc tìm kiếm quỹ đất để mở rộng trung tâm logistics tại Đồng Nai, thậm chí phải đi mua lại qua 3-4 nấc.

Là người trực tiếp đi khảo sát và tìm các địa điểm đầu tư trung tâm logistics, bà Huệ chỉ ra bất cập hiện nay là các địa phương áp giá của dự án bất động sản vào việc xây dựng trung tâm logistics, nên doanh nghiệp không thể làm được, vì đầu tư logistics chỉ thu “bạc cắc” hàng năm, tính ra thời gian thu hồi vốn của một dự án lên đến 50 năm, trong khi doanh nghiệp có thể thu được một khoản tiền lớn khi dự án bất động sản hoàn thành.

Đó là chưa kể, các trung tâm logistics được quy hoạch với diện tích quá lớn, nên một doanh nghiệp khó có đủ tiềm lực để thực hiện. Hơn nữa, nhà đầu tư trung tâm logistics phải làm một “rừng” thủ tục và qua nhiều bước thực hiện, có những bước mất rất nhiều thời gian như lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500; các thủ tục về đất đai; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi…

Ngoài ra, để đầu tư một trung tâm logistics đúng chuẩn, nhà đầu tư cần có nguồn vốn có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Bởi vì, một trung tâm logistics phải có diện tích đủ rộng (vài chục ha), được đầu tư đầy đủ chức năng vận tải, phân phối hàng hóa, có khu vực quản lý nhà nước về hải quan, thuế, trung tâm kiểm định chuyên ngành để cung cấp chuỗi dịch vụ tích hợp hoàn chỉnh.

Gỡ điểm nghẽn

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, để thu hút nhà đầu tư vào các trung tâm logistics, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại quy hoạch và các thủ tục đầu tư. Bà Phạm Thị Bích Huệ cho rằng, phải đồng bộ quy hoạch về hạ tầng giao thông, về quỹ đất khu công nghiệp tương ứng các quỹ đất quy hoạch cho hạ tầng logistics.

Hành lang pháp lý để xây dựng trung tâm logistics hiện cũng chưa rõ ràng và minh bạch. Ví dụ, về đất xây dựng trung tâm logistics, hiện nhiều địa phương rất lúng túng, nơi quy hoạch thành đất công nghiệp, nơi lại quy hoạch thành đất kho bãi, nơi thì quy về đất bất động sản. Vì vậy, rất cần hành lang pháp lý rõ ràng hơn.

Tương tự, ông Edwin Chee, Giám đốc vận hành SLP Việt Nam góp ý, Việt Nam cần ưu tiên cải cách pháp lý để đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt rào cản và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các công ty logistics. Điều này sẽ giúp thu hút nhiều đầu tư hơn, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành logistics và tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới.

Dù mới gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2020, nhưng SLP đã nhanh chóng mở rộng hoạt động, với hơn 1 triệu mét vuông diện tích nhà kho hiện đại, chất lượng cao tại 9 dự án có vị trí chiến lược tại các khu công nghiệp xung quanh Hà Nội và TP.HCM, như Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An và Vĩnh Long.

“Chúng tôi cam kết mở rộng hơn nữa danh mục dự án nhà kho hiện đại ở các khu vực trọng điểm, có thể mua lại hoặc phát triển tài sản mới tại các trung tâm hậu cần quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hậu cần hiện đại và công nghệ tiên tiến”, ông Edwin Chee nói.

Hội nghị Logistics 2023

Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước" do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Khách sạn InterContinental Saigon vào thứ Năm (5/10/2023).

Với sự tham dự của hơn 300 khách mời quốc tế và trong nước, Hội nghị Logistics 2023 sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu các động lực tăng trưởng cho ngành logistics, các vấn đề cung - cầu và những thay đổi trong xu hướng thuê kho vận, nhà xưởng tại Việt Nam hiện nay, xu hướng phát triển các dịch vụ logistics hiện đại, logistics xanh, hướng đến phát triển bền vững; đánh giá những cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa bài toán chi phí - lợi ích nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh…

Thông tin Hội nghị sẽ xuất hiện trên các ấn phẩm của Báo Đầu tư và Báo điện tử Đầu tư, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục