Thưa ông, ngành logistics Việt Nam có những lợi thế nào?
Theo tôi, trong lĩnh vực này, Việt Nam có 3 lợi thế lớn, trong đó, lợi thế đầu tiên là vị trí khi đất nước ta nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, khu vực có tuyến đường biển, đường hàng không rất thuận lợi cho giao thương.
Thứ hai là, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức cao và lượng hàng hóa lưu chuyển rất lớn, do vậy, có một nguồn hàng dồi dào, đó là cơ sở cho phát triển logistics.
Thứ ba là, môi trường kinh doanh của nước ta ổn định, thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn từ nước ngoài đến đầu tư lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, đó là điều kiện giúp ngành dịch vụ logistics phát triển.
Để ngành logistics có thể phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, ngành cần có thêm những điều kiện nào, thưa ông?
Chúng ta đang thấy, hạ tầng chính là điểm nút cần phải có bứt phá để cải thiện và phát triển. Trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung, thúc đẩy đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông như đường cao tốc, cảng biển, sân bay và sắp tới sẽ là ngành đường sắt. Thêm nữa, chúng ta cần tập trung nâng cao năng lực cho doanh nghiệp logistics.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có 34.000 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, yếu về vốn và công nghệ nên đã hạn chế khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài. Do đó, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải là trọng tâm trong thời gian tới.
Dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ tạo nên những xu hướng mới, theo ông, doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cần làm gì trước xu hướng này?
Một xu hướng rất rõ hiện nay trong ngành logistics là đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Chúng ta thấy rất rõ xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, những thành tựu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý đơn hàng, quản lý vận tải, quản lý cảng biển…
Việc ứng dụng công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong cả tiến trình xử lý chuỗi logistics, bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các bên tham gia cũng như kiểm soát hiệu quả về mặt thời gian, chi phí cũng như chất lượng dịch vụ….
Xu hướng thứ hai là xanh hóa chuỗi cung ứng, nghĩa là, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải, thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thương mại trong giai đoạn tới và tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng logistics đều phải đáp ứng yêu cầu xanh hóa, từ vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh…. vào kinh doanh để đáp ứng các tiêu chí về môi trường, tiết kiệm chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Thưa ông, xuất khẩu của Việt Nam đã chậm lại theo đà giảm của thương mại toàn cầu, ông đánh giá thế nào về đà phục hồi của xuất khẩu quý IV, từ đó tác động đến hoạt động của ngành logistics?
Xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay giảm so với cùng kỳ, nhưng trong khoảng thời gian vài tháng gần đây, tình hình đơn hàng đã cải thiện hơn, qua đó thu hẹp được đà giảm.
Theo thông lệ, cầu hàng hóa trên thị trường toàn cầu sẽ gia tăng vào dịp cuối năm, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc… qua đó thúc đẩy hoạt động mua bán hàng hóa và Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu sẽ đón nhận được sự tích cực về đơn hàng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, nhu cầu dẫu có hồi phục, nhưng vẫn trên nền của thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm. Thành thử, các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu phải hết sức nỗ lực, có nhiều giải pháp để đón nhận đơn hàng, tranh thủ nhu cầu tăng lên để tăng tốc xuất khẩu.