Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 9725 /BKHĐT-PTHTĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức PPP.
Tại công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng cho phép bổ sung Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong danh mục dự án được áp dụng thuộc chính sách 1 - tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP công trình đường bộ tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng. Đây là cơ chế nằm trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đang được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thống nhất với UBND tỉnh Cao Bằng về việc kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 3.220 tỷ đồng cho Dự án tương ứng với phần thiếu hụt và báo cáo Quốc hội cho phép dự kiến từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 – 2030.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan có thẩm quyền. Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 14.331,618 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt dự án tại Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, trong thời gian vừa qua, địa phương này đã thực hiện các công tác lựa chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP theo quy định, tuy nhiên khi đàm phán ký kết hợp đồng gặp một số vướng mắc nên chưa triển khai được.
Cụ thể, do đặc thù nhu cầu vận tải giai đoạn đầu của Dự án chưa cao; tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tại các Ngân hàng thương mại ngày càng thắt chặt, lãi suất cho vay cao (khoảng 13%) nên gặp khó khăn về thu xếp nguồn vốn tham gia vào dự án dẫn đến phần vốn của nhà đầu tư dự kiến tham gia vào dự án giảm 3.220 tỷ đồng.
Trong khi đó, do năm 2021 và 2022 do tình hình dịch bệnh Covid - 19 nguồn thu ngân sách tỉnh không đạt kế hoạch nên UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép bổ sung phần số vốn còn thiếu của dự án từ nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 3.220 tỷ đồng.
Việc tăng phần vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án sẽ dẫn đến tỷ lệ tham gia của nhà nước trong dự án lên khoảng 68,38% tổng mức đầu tư nên UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ bổ sung dự án vào danh mục thí điểm trình Quốc hội cho phép áp dụng chính sách số 1 về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP công trình đường bộ không quá 70% tổng mức đầu tư dự án.
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, muốn Cao Bằng phát triển, muốn xóa được đói giảm được nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên thì không có một cách nào khác đó là phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Được biết, khi tham gia nghiên cứu đề xuất dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu để hạ tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 23.000 tỷ đồng, tức là giảm hơn một nửa so với dự toán trước đây bằng cách áp dụng các công nghệ mới. Tuy nhiên, Dự án vẫn cần sự hỗ trợ tăng thêm của ngân sách Nhà nước so với quy định hiện hành để đảm bảo phương án tài chính .
“Chúng tôi cần thêm những cơ chế chính sách đủ mạnh để giúp tăng tính khả thi tài chính, hấp dẫn nhà đầu tư, qua đó hành tổ chức thực hiện dự án đảm bảo tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức PPP được chọn thí điểm lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án (quy định hiện nay là không quá 50%) nhận được nhiều đồng thuận của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, vốn Nhà nước nên tăng lên mức tối đa là 80%, để tạo dư địa cho các địa phương đàm phán với các nhà đầu tư.
“Mỗi địa phương tùy từng hoàn cảnh có thể có những phương án riêng. Tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước cũng có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép”, ông Hiếu nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết thêm, cơ sở quan trọng, mấu chốt nhất để xác định tỷ lệ cần dựa trên sự cân bằng, không làm mất đi tính chất hợp tác công tư và tính khả thi của dự án. Nếu cơ chế không khả thi thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác.
Đồng thuận với việc nới trần vốn góp của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, do đặc thù rủi ro cao của các dự án hạ tầng giao thông và Nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính nhằm tăng khả năng về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư sớm hoàn vốn, nhất là đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các vùng khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất phương án trình của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.
“Điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.