Để tận dụng TPP, doanh nghiệp da giày phải đầu tư mới

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành da giày sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng trên thực tế, để chuẩn bị cho TPP, doanh nghiệp ngành này lại đang gặp nhiều thách thức.
Để tận dụng TPP, doanh nghiệp da giày phải đầu tư mới

Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc 2 công ty chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu là An Thịnh và Đô Ba cho biết, 60-65% sản phẩm giày dép của doanh nghiệp được xuất sang thị trường châu Âu, khoảng 30% còn lại là các thị trường khác ngoài TPP. Vì vậy, Công ty rất muốn mở rộng thị trường vào Mỹ để “đón đầu” TPP, nhưng không đơn giản, vì vướng nhiều quy định.

Theo ông Trần Ngọc Anh, thị trường TPP, trong đó có Mỹ, dự kiến chiếm 20-25% thị phần xuất khẩu sản phẩm giày dép. Nếu được giảm thuế suất thuế xuất khẩu, thì nhiều khả năng thị phần sẽ tăng lên 50%. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ hàng xuất khẩu giày dép vào TPP sẽ có thể làm đối trọng với thị trường châu Âu, giúp giảm phụ thuộc quá lớn vào một thị trường - thường dễ bị đánh thuế chống bán phá giá như đã từ xảy ra cách đây vài năm, đối với ngành da giày xuất khẩu vào châu Âu.

Để đạt được điều này, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có sự chủ động chuẩn bị để có thể bắt kịp với lộ trình hội nhập TPP.

“Đối với ngành da giày, khác với nhiều quan điểm cho rằng, việc chuẩn bị đến từ phía doanh nghiệp, mà thực tế cho thấy, yếu tố then chốt nằm ở các nhà cung cấp vật tư, nguyên phụ liệu. Bởi lẽ, quy định của TPP đòi hỏi để được hưởng ưu đãi thuế quan đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng một tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa nhất định”, ông Ngọc Anh nói và cho biết, vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để trong nước có nhiều nhà máy sản xuất, cung ứng vật tư. Có như thế mới tận dụng một cách hiệu quả TPP.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Doãn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Minh Diệu (chuyên sản xuất đế giày) cho biết, thị trường TPP đòi hỏi chất lượng cao, mẫu mã đẹp, nên rất ít doanh nghiệp sản xuất phụ kiện giày đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất phụ liệu Việt Nam vẫn chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa và các thị trường ngoài TPP.

Ông Lê Quang Doãn cũng thừa nhận, do khó khăn về vốn, nên doanh nghiệp sản xuất phụ kiện giày dép thường có tâm lý chờ đợi, khi nhận thấy có nhu cầu thực sự, có đơn đặt hàng mới đầu tư đáp ứng đơn hàng.

Theo các doanh nghiệp da giày, để thâm nhập thị trường TPP, cần phải có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chấp nhận sự đầu tư mới thay đổi mẫu mã, kiểu dáng. Như vậy, với những doanh nghiệp đã sản xuất hàng FOB (mua nguyên liệu, bán hàng trực tiếp không qua trung gian), có thể chủ động được việc này. Nhưng với doanh nghiệp sản xuất hàng gia công, khó có thể thực hiện được điều này.

Mặt khác, doanh nghiệp da giày cũng phải tính đến việc chuẩn bị các khâu tiếp thị sản phẩm trong khối TPP. Do vậy, thách thức đặt ra ngay từ bây giờ là doanh nghiệp phải chủ động tích cực tham gia triển lãm, tìm hiểu nhu cầu từ những thị trường mới thuộc TPP.

Thừa nhận những khó khăn nêu trên, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp đang xuất khẩu vào thị trường EU, nếu muốn mở rộng thị trường Mỹ, Nhật Bản… để tận dụng TPP, bắt buộc phải đầu tư mới, mở rộng thêm nhà xưởng, nhập khẩu thêm máy móc thiết bị… 

Còn theo ý kiến chung của các doanh nghiệp da giày, để có thể giải quyết bài toán khó nêu trên, Nhà nước nên tạo điều kiện cho những đơn vị làm vật tư (sản xuất thuộc da, keo, hóa chất, đồ giả da, phụ liệu, móc khóa ngành da giày…), tạo mặt bằng, vốn liếng, ưu đãi thuế… để các doanh nghiệp này phát triển. Có như vậy, mới hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp sản xuất hàng thành phẩm tận dụng tối đa cơ hội từ TPP.   

Thanh Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục