TPP giúp phát triển kinh tế trong nước hay thu hút FDI?

Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào giai đoạn cuối. Đây cũng là nội dung của Tọa đàm khoa học “Hội nhập kinh tế quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hôm qua (29/5).
TPP giúp phát triển kinh tế trong nước hay thu hút FDI?

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra một loạt vấn đề cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Thạc sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Phó trưởng ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) đặt ra nhiều vấn đề liên quan. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho TPP, Việt Nam đã có giải pháp gì để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực, địa bàn mà Việt Nam mong muốn? Chính phủ đã có hỗ trợ cần thiết nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa? Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam để hưởng lợi thế cạnh tranh từ việc tham gia TPP có phải là mục đích cuối cùng nhằm phát triển kinh tế Việt Nam hay không?

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, hiện nổi lên lo ngại về tác động của TPP với ngành dệt may. Điều khoản TPP quy định, nếu xuất khẩu dệt may, thì tất cả những gì liên quan đến phụ trợ của dệt may đều phải có nguồn gốc xuất xứ trong nước. Để làm điều đó, vừa qua, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc trong lĩnh vực này đã tìm cơ hội đến Việt Nam đầu tư. Với thực tế như vậy, giá trị hưởng lợi của Việt Nam là bao nhiêu?

Đó là chưa kể, trong khi ngành dệt may hưởng lợi, thì ngành trồng trọt, chăn nuôi lại chịu tác động tiêu cực. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần làm rõ mục đích ký TPP để phát triển kinh tế trong nước hay thu hút đầu tư nước ngoài. Khi rộng cửa hội nhập, thì cạnh tranh về công nghệ, môi trường, chuyển giá đang tạo ra thách thức cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Việc đối tác đầu tư vào Việt Nam có phải vì Việt Nam sắp ký các hiệp định thương mại, hay vì họ nhắm đến nhiều yếu tố khác?

Con số thống kê về bức tranh nhà đầu tư nước ngoài nay đã khác, khi số doanh nghiệp FDI từ 5 đối tác lớn nhất (Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga) chiếm 68% số dự án FDI vào Việt Nam, với vốn đăng ký chiếm 53% tổng vốn đăng ký năm 2013. 10 dự án FDI lớn nhất Việt Nam năm 2013 chiếm 55% tổng vốn FDI, trong đó có các dự án như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Samsung Thái Nguyên, LG Electronics Hải Phòng…

Nhìn vào những con số nêu trên, ông Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, Việt Nam nên tổ chức xúc tiến đầu tư đến thẳng các tập đoàn lớn, danh tiếng trên thế giới, công ty vệ tinh của họ, thay vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa đơn lẻ.

Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, để hút mạnh dòng vốn FDI, Việt Nam cần cải thiện những điểm yếu về hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Cụ thể, cần đưa ra các quy định hướng dẫn về việc thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các điều kiện đầu tư. Đồng thời, hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư, xử lý những bất cập về công nghệ, chuyển giao công nghệ như tiêu chí thế nào là doanh nghiệp ông nghệ cao, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, hay quy định về mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục