Chứng khoán có thể thêm “sóng” nhờ TPP

Các nhà đầu tư chứng khoán đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu TPP sớm được ký kết, thị trường chứng khoán sẽ có phản ứng rất tích cực.
Dự báo, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu, dịch vụ cảng, bất động sản... sẽ được hưởng lợi khi TPP được ký kết Dự báo, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu, dịch vụ cảng, bất động sản... sẽ được hưởng lợi khi TPP được ký kết

Dự báo về xu hướng thị trường chứng khoán trong thời gian tới, ông Hang Jin Yun, chuyên gia phân tích thuộc Công ty Đầu tư chứng khoán KIS (Hàn Quốc) nhận xét,  thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng và đến cuối năm 2014, chỉ số VN-Index có thể sẽ đạt khoảng 650 - 700 điểm. Một trong những cơ sở chính để ông Hang Jin Yun đưa ra nhận định trên chính là kỳ vọng vào việc TPP có sẽ sớm kết thúc vào giữa năm nay.

“TPP là hiệp định thương mại rất quan trọng mà Việt Nam tham gia với những đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản…, nên nếu TPP sớm được ký kết, thì nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ được hưởng lợi đáng kể”, ông Hang Jin Yun nói.

Không chỉ ông Hang Jin Yun, mà nhiều chuyên gia chứng khoán khác cũng đang đặt nhiều hy vọng vào các tác động tích cực từ TPP với thị trường chứng khoán.

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) cho biết, trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, thì Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến xuất khẩu. “Đây sẽ là động lực lạc quan cho thị trường chứng khoán trong năm 2014”, ông Tân nhận định.

TPP là hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho một số nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, cải cách thể chế...

Tính đến thời điểm hiện tại, có 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, trong đó có những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore... Với sự tham gia của các nền kinh tế lớn trên thế giới, TPP trở thành khu vực kinh tế với hơn 790 triệu  dân, đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu.

Về phạm vi, so với Hiệp định Thương mại song phương (BTA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TPP được mở rộng hơn, bao gồm cả thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn có các vấn đề phi thương mại, như mua sắm chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Đối với thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu trực tiếp sang các nước thành viên TPP sẽ là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ TPP.

Cụ thể, khi TPP được ký kết, các dòng thuế suất thuế nhập khẩu sẽ giảm mạnh, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu các mặt hàng quần áo, giày dép, hải sản và nhiều mặt hàng khác vào các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ - thị trường lớn nhất trong TPP, mà không phải cạnh tranh với sản phẩm của một số nước khác, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán có thể sẽ dậy sóng, nếu TPP được ký kết trong năm nay là  dự báo hoàn toàn có cơ sở, bởi trên thực tế, sau những hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam từng ký kết thành công, chứng khoán vẫn luôn là lĩnh vực có phản ứng đầu tiên.

Cụ thể, năm 2007, sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, thị trường chứng khoán cũng bước vào thời kỳ bùng nổ mạnh nhất khi đạt đỉnh kỷ lục 1.171 điểm. Tuy hiện tại, chứng khoán sẽ khó có thể lặp lại đỉnh như cách đây 7 năm, nhưng tác động tích cực từ TPP đối với thị trường là điều hoàn toàn có căn cứ.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu (là nhóm đối tượng được hưởng lợi trực tiếp), một số nhóm cổ phiếu khác, như nhóm dịch vụ cảng, bất động sản, công ty chứng khoán… cũng có thể hưởng lợi gián tiếp từ TPP. Cụ thể, sau khi TPP được ký kết, hoạt động thương mại tăng lên, thì các doanh nghiệp dịch vụ cảng sẽ có nhiều điều kiện để phát triển kinh doanh. 

Trong khi bất động sản tuy là lĩnh vực được coi là không liên quan nhiều và bối cảnh thị trường bất động sản chưa thể sôi động ngay trong năm 2014, nhưng đây là nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, nên mỗi khi thị trường có sóng, thì nhóm cổ phiếu bất động sản cũng thường sẽ có phản ứng khá nhạy. Tương tự, công ty chứng khoán là nhóm ngành luôn ăn theo sự sôi động của thị trường chứng khoán, do đó, nếu thị trường đi lên tích cực thì nhóm chứng khoán này sẽ tăng mạnh lợi nhuận cả từ mảng tự doanh lẫn môi giới.

Chí Tín(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục