Giá thị trường của cổ phiếu vốn góp là giá trung bình 30 ngày?
Tại phiên thảo luận tổ chiều 10/5 của Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) đóng góp ý kiến về điểm b khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật, quy định giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là cổ phiếu niêm yết hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, giá trị thị trường của cổ phiếu vốn góp được xác định là "giá giao dịch bình quân trong vòng 30 ngày", chứ không phải giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm liền kề trước đó như Luật Doanh nghiệp hiện hành (với lý do giá liền kề có thể không chính xác nếu cổ phiếu đó có biến động đột xuất).
"Nhưng giá trung bình 30 ngày liệu có phản ánh khách quan hay không? Vì thời gian 30 ngày khá dài trong khi thị trường biến động liên tục", ông Hiển nêu vấn đề.
Ngoài ra, theo vị đại biểu, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên hai cách xác định khác là "giá thoả thuận giữa người bán và người mua" và "giá do một tổ chức thẩm định xác định".
Như vậy có 3 hình thức xác định giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là cổ phiếu niêm yết hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Băn khoăn trong trường hợp 3 phương pháp này cho ra 3 kết quả khác nhau thì lựa chọn phương pháp nào, ông Hiển đề nghị nên có thứ tự ưu tiên.
Ngoài ra, ông đề xuất áp dụng cách xác định giá thị trường của vốn góp là cổ phiếu theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mà Việt Nam đang nghiên cứu.
Mặt khác, dự thảo Luật có bổ sung quy định cho phép công ty được giảm vốn điều lệ khi hoàn lại vốn góp cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận định, tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép công ty phát hành cổ phần ưu đãi khác cũng có thể có tính năng hoàn lại.
Từ đó, ông Hiển đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép công ty cổ phần giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phần ưu đãi khác cũng có tính năng hoàn lại tương tự như trường hợp mua lại cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Đề nghị cổ đông phổ thông không cần công bố thông tin về sở hữu cổ phiếu
Cũng góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) nhận xét, sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này cho thấy rõ tinh thần quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, rất tiến bộ.
Dự án Luật cũng thể hiện sự phân cấp lớn cho hội đồng thành viên và cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp để xử lý một số vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
|
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: M.M |
Đi vào các vấn đề cụ thể, ông Tuấn nói rằng dự thảo Luật lần này đưa ra khái niệm "chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp" là một khái niệm rất mới, bao gồm một nhóm người, trong đó có cả những cổ đông phổ thông sở hữu một số cổ phần.
Khái niệm này làm phát sinh nghĩa vụ công bố thông tin đối với chủ sở hữu hưởng lợi trong nước và ngoài nước (tại Khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi bổ sung Khoản 1 Điều 31 của Luật Doanh nghiệp hiện hành).
Theo ông Tuấn, đối với công ty chưa niêm yết, việc phải công bố thông tin với cơ quan đăng ký kinh doanh về sự thay đổi chủ sở hữu hưởng lợi là khả thi; tuy nhiên dự thảo Luật chưa có sự điều chỉnh rõ đối với nghĩa vụ công bố thông tin của chủ sở hữu hưởng lợi tại doanh nghiệp niêm yết.
"Trong khi đó, tại các công ty niêm yết, do có hoạt động giao dịch cổ phiếu, chủ sở hữu hưởng lợi thay đổi từng giây thì công bố thông tin về sự thay đổi này thế nào?", ông Tuấn nêu câu hỏi.
Mặt khác, dự thảo Luật quy định không yêu cầu công bố thông tin này đối với doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài nhưng với doanh nghiệp niêm yết ở trong nước thì không quy định rõ. Đại biểu đề nghị quy định thống nhất người hưởng lợi tại doanh nghiệp niêm yết trong nước và ở nước ngoài như nhau về nghĩa vụ công bố thông tin.
Ngoài ra, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng quy định này làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; do đó ông đề xuất áp dụng quản lý bằng hậu kiểm, nếu thấy nghi ngờ thì mới hậu kiểm.
Mặt khác, theo ông, Chính phủ nên ban hành biểu mẫu công bố thông tin và hệ thống tra cứu điện tử để doanh nghiệp kê khai sự thay đổi chủ sở hữu hưởng lợi rồi đăng lên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; thay vì công bố thông tin bằng giấy như hiện nay vừa mang tính hành chính vừa không ứng dụng được khoa học công nghệ.
Trước đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã được Chính phủ trình Quốc hội vào sáng 9/5. Dự kiến, dự án Luật sẽ được thảo luận ở hội trường chiều 20/5 và thông qua vào chiều 13/6 tới.
Vì tính cấp bách, Chính phủ đề xuất thông qua dự án Luật này theo quy trình tại một kỳ họp. Tuy nhiên, vừa qua Trung ương ban hành 2 nghị quyết quan trọng (Nghị quyết 66/NQ-TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết 68/NQ-TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân) nên tại báo cáo thẩm tra dự án Luật, Uỷ ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội đề xuất rà soát thêm theo hướng thống nhất đồng bộ với hai nghị quyết này, vấn đề nào đã rõ thì sửa luôn, còn lại thì để sửa sau.