“Gói thầu có quy mô lớn nhất sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo phương thức một giai đoạn 2 túi hồ sơ với thời gian mời thầu vào tháng 2/2016”, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV cho biết.
Được biết, cơ quan quản lý nhà nước đang đẩy nhanh công tác thẩm định để có thể đưa ra câu trả lời cho ACV chậm nhất là vào tuần sau. Nhưng ngay cả vậy thì công tác tuyển chọn nhà thầu lập F/S đã chậm 4 tháng so với kế hoạch triển khai Dự án được chủ đầu tư trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào tháng 7/2015.
Cụ thể, đề cương F/S giai đoạn I Dự án và điều kiện tham chiếu lẽ ra phải được ACV trình Bộ GTVT phê duyệt từ tháng 8/2015; tổ chức đấu thầu vào tháng 10/2016; trình kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 4/2016.
Cần phải nói thêm rằng, để có thể xây dựng được Báo cáo nghiên cứu khả thi cho công trình quy mô vốn lên tới 5,45 tỷ USD, có độ phức tạp rất cao về công nghệ, thời gian để đơn vị tư vấn thực hiện gói thầu cần ít nhất 18 tháng.
Với quy mô rất lớn và phức tạp, nếu thực hiện theo quy trình thông thường, Dự án có thể mất tới 10 năm để hoàn thành. Vì vậy, ACV đề nghị Bộ GTVT cho phép tổ chức thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu song song với việc lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong trường hợp đơn vị trúng tuyến thiết kế là đơn vị khác với nhà thầu tư vấn lập FS sẽ yêu cầu hai đơn vị kết hợp để đảm bảo tiến độ chung Dự án.
Được biết, phạm vi công việc được lập đề cương trong FS chia thành 5 nhóm hạng mục gồm: 10 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư và dùng vốn của ACV; 26 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ODA và vốn ngân sách (các hạng mục không có khả năng sinh lời); 6 hạng mục dùng vốn ngân sách do Nhà nước chỉ định làm chủ đầu tư; 2 hạng mục vay vốn ODA thương mại hoặc đối tác công tư (PPP); 17 hạng mục do các doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư.
“Sau khi được phê duyệt F/S, đề nghị Bộ GTVT cho phép ACV tiến hành tổ chức triển khai thiết kế kỹ thuật và thi công ngay một số các hạng mục độc lập”, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV ACV đề xuất.
Cũng vào đầu tuần trước, ACV đã hoàn tất Đề cương Dự án “Cảng hàng không quốc tế Long Thành” với điểm nhấn là kiến nghị áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với dự án theo hình thức ngân sách nhà nước cho vay lại toàn bộ, bao gồm cả phần vốn ODA, vốn vay ưu đãi dự kiến lên tới 3,53 tỷ USD, tương đương 35,23% khái toán tổng mức đầu tư Dự án. “Chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý dự án thông qua Ban quản lý dự án chủ đầu tư thành lập như thông lệ mà chúng tôi vẫn áp dụng tại các dự án đầu tư của ACV”, ông Hùng nói.