Sáng 10/9, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây (miền Nam Trung Quốc) đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư ASEAN - Trung Quốc (CABIS) lần thứ 18.
Nhận lời mời của Chính phủ nước CHND Trung Hoa, ngày 10/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc CAEXPO và CABIS theo hình thức ghi hình. Phó Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng của CAEXPO và CABIS lần thứ 18.
“Trong chặng đường 30 năm hợp tác Trung Quốc - ASEAN, chúng ta đã duy trì đối thoại, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và đã có đóng góp lớn cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trong khu vực và thế giới”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Hợp tác kinh tế - thương mại đã có bước phát triển vượt bậc, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 80 lần trong 30 năm qua, Trung Quốc và ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Hợp tác trên các lĩnh vực phát triển kinh tế số, đổi mới, sáng tạo đạt được nhiều kết quả to lớn. Hai bên đã và đang hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Hòa chung với dòng chảy hợp tác ASEAN - Trung Quốc, quan hệ Đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được phát huy và đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Ông Thành cho rằng, thế giới, ASEAN và Trung Quốc đang chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19, tác động lớn của biến đổi khí hậu và môi trường. Hơn lúc nào hết, ASEAN và Trung Quốc cần đoàn kết hơn nữa, thúc đẩy hợp tác khu vực, trong đó kiên định vai trò trung tâm của ASEAN, tập trung giải quyết hai nhiệm vụ cấp bách hiện nay, đó là đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh ba trọng tâm hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc, tận dụng tốt nhất cơ hội mà Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc mang lại.
Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Trung Quốc và ASEAN đầu tư tại Việt Nam trên các lĩnh vực; đồng thời mong muốn Trung Quốc, ASEAN tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ASEAN.
Thứ hai, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số. ASEAN và Trung Quốc cần tập trung đẩy mạnh hợp tác trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số; xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Thứ ba, Việt Nam đánh giá cao và mong muốn Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để Việt Nam cùng ASEAN tiếp cận dễ dàng nguồn cung ứng vaccine cũng như công nghệ sản xuất vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Việt Nam coi trọng và tích cực ủng hộ CAEXPO và CASBIS. Chúng tôi khẳng định rằng CAEXPO và CABIS luôn là động lực cho sự phát triển bền vững của các quốc gia trong ASEAN và Trung Quốc.
“Chúng ta tin tưởng rằng với sự cố gắng chung của các bên, ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển nền kinh tế một cách mạnh mẽ và bền vững”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
CAEXPO và CABIS lần thứ 18 được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, cũng là năm đầu tiên hai bên thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 với trọng tâm trung và dài hạn là phát triển bền vững. Với chủ đề “Cùng xây dựng Vành đai, Con đường, cùng phát triển kinh tế số”, CAEXPO và CABIS năm nay sẽ tiếp thêm động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và sự tăng trưởng của ASEAN - Trung Quốc.
CAEXPO và CABIS là một trong 10 hội chợ hàng đầu của Trung Quốc, được tổ chức thường niên từ năm 2004. Năm nay, Việt Nam tiếp tục tham gia với quy mô lớn nhất ASEAN, trong đó có 80 doanh nghiệp với diện tích trưng bày 2.000 m² và 200 doanh nghiệp tham gia theo hình thức trực tuyến, tập trung quảng bá, giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông, thuỷ sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, đầu tư, du lịch và dịch vụ thương mại...