Cơ hội tái thiết các nền kinh tế ASEAN

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dịch Covid-19 tác động đến kinh tế toàn cầu, nhưng cũng đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN nhìn nhận lại và cân nhắc những hướng đi mới trong tương lai. Cuộc khủng hoảng một lần nữa nhấn mạnh mức độ cần thiết của sự gắn kết giữa các quốc gia trong khu vực để cùng nâng cao phát triển con người cũng như kinh tế.

Có hai xu hướng chủ đạo được các doanh nghiệp chú trọng trong thời kỳ Covid-19 là ưu tiên số hóa và xây dựng đội ngũ tương lai. Có hai xu hướng chủ đạo được các doanh nghiệp chú trọng trong thời kỳ Covid-19 là ưu tiên số hóa và xây dựng đội ngũ tương lai.

Thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Là một khu vực đa dạng, ASEAN có nhiều cơ hội hợp tác và bổ trợ giữa các nước thành viên. Các nền kinh tế phát triển trong khu vực có thể tiên phong trong các dự án về nghiên cứu và phát triển, bồi dưỡng tài năng cho tương lai, phát triển cơ sở hạ tầng và thể chế cho khu vực.

Mặt khác, các thị trường đang phát triển trong ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lao động dồi dào, là động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế và là nền tảng quan trọng cho những sáng kiến đổi mới lấy người tiêu dùng làm trọng tâm.

Bất chấp suy thoái hiện nay, các quốc gia ASEAN sở hữu triển vọng đầu tư hấp dẫn nhờ vào mạng lưới thương mại tốt, tầng lớp trung lưu ngày một lớn mạnh và lực lượng lao động trẻ, có đào tạo.

Bà Đinh Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC.

Bà Đinh Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục dự đoán tăng trưởng của khu vực này ở mức 6,2% năm 2021, cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Hơn nữa, đây là khu vực tiềm năng phát triển các dòng thương mại nội khối khi các doanh nghiệp tìm cách hạn chế rủi ro từ sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại bên ngoài.

Trong bối cảnh tác động của đại dịch đang tái định hình môi trường kinh tế số năng động của khu vực, thế giới mới sẽ đòi hỏi những kỹ năng mới.

Với con số 400 triệu người dùng Internet, đây là môi trường giàu tiềm năng mang lại cơ hội đặc biệt cho tất cả các bên tham gia vào nền kinh tế số, ở cấp độ doanh nghiệp cũng như chính phủ - từ người dân, nhân viên, cho tới các đối tác kinh doanh, các nhà cung cấp và các đơn vị đầu tư.

Theo các phân tích từ báo cáo “Thời khắc của châu Á - Thái Bình Dương” do PwC mới công bố, khu vực này nói chung và ASEAN nói riêng giờ đây không chỉ dựa vào các yếu tố tăng trưởng như đô thị hóa, nguồn nhân lực, các dòng thương mại và tăng cường áp dụng công nghệ, để tiếp tục thu hút vốn đầu tư.

Thay vào đó, các bên liên quan cần trở nên tự chủ hơn bằng việc thúc đẩy đầu tư toàn cầu với tầm nhìn và chiến lược đặt trọng tâm vào khu vực.

Theo đó, ASEAN cần quan tâm tiếp cận toàn diện để nền kinh tế khu vực vươn lên mạnh mẽ hơn sau Covid-19 và sẽ cần sự tham gia tích cực của các bên liên quan.

Bắt đầu từ chính phủ với vai trò tạo điều kiện thuận lợi, thông qua làm việc với các bên để từ đó xác định tầm nhìn và xây dựng chính sách hiệu quả.

Các doanh nghiệp có thể thúc đẩy việc thực thi và mang đến các giải pháp mới cho những thách thức trong khu vực. Bên cạnh đó, xã hội sẽ có vai trò định hướng khi tích cực tham gia lên tiếng về các ưu tiên cũng như nhu cầu trong cộng đồng để đảm bảo cân bằng cán cân tăng trưởng.

Khả năng thích ứng của Việt Nam

Mặc dù không đứng ngoài những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 8, kỳ vọng Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 2,9% năm 2020 - nền kinh tế duy nhất trong ASEAN duy trì mức tăng trưởng dương. Điều này phần lớn nhờ vào những biện pháp kịp thời của Chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp hỗ trợ kinh tế hiệu quả.

Tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu nói chung ngày một trở nên rõ rệt và thúc đẩy những thay đổi mang tính chất hệ thống.

Có thể thấy tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu nói chung ngày một trở nên rõ rệt và thúc đẩy những thay đổi mang tính chất hệ thống. Triển vọng của kinh tế Việt Nam được coi là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, để bước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng này và phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, Việt Nam cần định hướng rõ ràng và có các hành động cụ thể. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại mô hình kinh doanh và năng lực nội tại, từ đó xây dựng kế hoạch cho các kịch bản khác nhau có thể xảy ra trong tương lai.

Kết quả khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC được thực hiện trong tháng 7/2020 cho thấy, có hai xu hướng chủ đạo được các CEO chú trọng trong thời kỳ Covid-19: ưu tiên số hóa và xây dựng đội ngũ tương lai.

Theo đó, 41% các CEO được khảo sát cho biết, phát triển doanh nghiệp theo hướng số hóa và nền tảng trực tuyến là ưu tiên hàng đầu, theo sau là 26% các CEO có kế hoạch xây dựng lực lượng lao động linh hoạt hơn với các chính sách lấy con người làm trọng tâm.

Covid-19 đã và đang đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế số, cho phép các công ty đi đầu trong chuyển đổi số có được những lợi thế nhất định.

Theo khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC, 76% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát tin rằng tự động hóa là xu hướng tất yếu, đồng nghĩa với việc cần nguồn lực đáng kể để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi này, trong đó phải kể đến nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần chú trọng tìm ra phương án thích hợp để nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, Covid-19 đã bộc lộ và thậm chí làm gia tăng thiếu hụt về kỹ năng để đáp ứng chiến lược kinh doanh linh hoạt của doanh nghiệp trong tương lai. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cấp thiết và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và sự hợp tác của các cấp lãnh đạo từ cả hai phía chính phủ và doanh nghiệp.

Việc Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, sẽ mở ra cơ hội lớn hơn nhằm tiếp cận các thị trường trong khuôn khổ hiệp định và tạo môi trường thương mại với những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị tốt hơn để nắm bắt tiềm năng mà hiệp định mang lại. Số hóa sẽ là nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp để thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng cao nguồn nhân lực, cũng như đáp ứng các chuẩn mực khu vực và quốc tế.

Đinh Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục