Trước làn sóng M&A nóng dần trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hiện nay, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ liệu có thể tồn tại?
Với những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, muốn tồn tại phải tăng được năng lực tài chính và quản lý rủi ro. Vì thế, các ngân hàng quy mô nhỏ phải nỗ lực tăng vốn. Nhưng để thực hiện được kế hoạch tăng vốn trong bối cảnh thị trường hiện nay cũng là một thách thức đối với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Do đó, việc tính đến phương án M&A để cùng nhau phát triển lớn mạnh hơn là không có gì xấu. Bởi thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, các ngân hàng sau quá trình M&A đang từng bước tập trung mọi nguồn lực tái cấu trúc, dần hồi phục trở lại.
Phó Thống đốc NHNN ông Nguyễn Phước Thanh
Hiệu quả của các ngân hàng M&A và tái cơ cấu đến thời điểm này có thể đánh giá như thế nào, thưa ông?
Nếu thực sự kỳ vọng các ngân hàng đạt hiệu quả nhanh sau giai đoạn sáp nhập và đẩy mạnh tái cơ cấu thì chưa thể. Vì nếu đã vững mạnh và hoạt động hiệu quả thì không có lý do gì phải sáp nhập và tái cơ cấu.
Do vậy, đòi hỏi phải có thời gian để xử lý. Tuy nhiên, các chỉ số hoạt động của những ngân hàng sau quá trình sáp nhập, hợp nhất cũng đang lành lặn dần và từng bước được cải thiện tốt hơn trước. Các hệ số an toàn cũng được đảm bảo và cải thiện tích cực hơn so với trước đây.
Tôi cho rằng, những kết quả này phần nào đã phản ánh sự thành công. Đối với những ngân hàng đang trải qua quá trình tái cơ cấu sẽ chưa thể kỳ vọng có được lợi nhuận trong thời gian sớm. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng sau quá trình M&A và tái cơ cấu cũng cần thời gian nên chưa thể kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm nợ xấu ngay với kết quả khả quan được.
Một nhiệm vụ khác trong quá trình tái cơ cấu là xử lý sở hữu chéo, câu chuyện này được tiến hành với kết quả thế nào?
Sau quá trình đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng và đẩy mạnh M&A đối với nhiều ngân hàng yếu kém thì tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cũng từng bước giảm dần.
Với quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN được áp dụng từ đầu tháng 2 năm nay, các ngân hàng cũng đang có 1 năm trong lộ trình thoái vốn đầu tư vào tổ chức tín dụng khác xuống mức theo quy định của Thông tư. “Siết” sở hữu chéo theo lộ trình áp dụng là tiền đề cho việc loại bỏ sở hữu chéo, lành mạnh lĩnh vực ngân hàng.
Nếu nhìn vào mục tiêu giảm số lượng ngân hàng theo đề án tái cấu trúc thì số lượng ngân hàng tiếp tục sẽ không hề nhỏ…?
Đúng như vậy, chủ trương của NHNN là tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và có thêm một số thương vụ M&A trong năm nay. NHNN sẽ cố gắng để hoàn thiện khung pháp lý, phê duyệt các thương vụ M&A trong thời gian sớm.
Mục tiêu chung NHNN là sẽ triển khai quyết liệt trong 6 tháng cuối năm cho hoạt động của hệ thống sớm được ổn định hơn. Quá trình tái cơ cấu ngành trong 3 năm qua với chủ trương khuyến khích các ngân hàng sáp nhập tự nguyện. Nhưng hiện còn một số ngân hàng nhỏ hoạt động yếu kém và khó có thể tăng năng lực tài chính, các ngân hàng này sẽ phải tìm kiếm đối tác để cùng hợp sức phát triển mới có thể tồn tại trong thời gian tới.
Một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng để hệ thống ngân hàng được lành mạnh là sớm đưa nợ xấu về dưới mức 3% để giúp hệ thống vận hành lại bình thường. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu khó?
Năm 2015, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ là đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Đó cũng là mục tiêu của NHNN trong nỗ lực kiểm soát nợ xấu của ngành năm nay.
Sau gần 3 năm thực hiện đề án xử lý nợ xấu, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để xử lý nợ xấu như: đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; bán nợ cho các tổ chức, cá nhân; xử lý bằng dự phòng rủi ro...
Bên cạnh đó, vai trò của VAMC đang từng bước phát huy tác dụng. Đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC của các ngân hàng được xem là giải pháp tốt để làm sạch bản cân đối kế toán. Tuy nhiên, sau khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng phải trích dự phòng trong vòng 5 năm và đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu. Nhưng bán nợ xấu cho VAMC là một giải pháp để giúp các ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu sau khi sáp nhập, hợp nhất, làm giảm áp lực về tài chính cho các ngân hàng thương mại.
Do đó, yêu cầu trước hết đối với các tổ chức tín dụng là phải trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu, nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động, ngay cả các khoản nợ bán cho VAMC, nên lợi nhuận thu về trong hoạt động sẽ giảm.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 ở mức 3%, NHNN tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, kiên quyết xử lý pháp nhân đối với đơn vị yếu kém, kể cả sử dụng biện pháp can thiệp như trường hợp mua lại ngân hàng với giá 0 đồng.
Có một câu chuyện mới nổi lên tại các đại hội đồng cổ đông ngân hàng đó là việc nhiều cổ đông thắc mắc về chuyện cổ tức phải được NHNN xem xét và phê duyệt. Ông có thể lý giải vì sao lại có vấn đề này?
Với cổ đông thì việc quan tâm đến vấn đề cổ tức cũng là dễ hiểu, nhất là trước bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng và các ngân hàng phải tập trung mọi nguồn lực để tái cơ cấu. Nếu chia hết lợi nhuận thì nguồn lực dành cho tái cơ cấu và trích lập dự phòng xử lý nợ xấu không còn. Do đó, trước mắt các ngân hàng phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý những khó khăn, nên buộc phải giữ lại lợi nhuận.
Để đảm bảo hoạt động được an toàn, đối với các ngân hàng cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, cho dù lợi nhuận còn lại không nhiều để chia cổ tức cho cổ đông. Nhưng đó là điều kiện tiên quyết trong bối cảnh thị trường còn có những khó khăn hiện nay cũng như tiến tới mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3% vào cuối năm 2015.