Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore 2014 diễn ra mới đây tại TP.HCM, ông David C. Kadarauch, Giám đốc Trung tâm Phân tích (Công ty Chứng khoán ACBS) cho rằng, tuy ngành ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn về tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu tăng, nhưng nhìn chung, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực.
“Vì thế, trước mắt, các ngân hàng TMCP Việt Nam có thể gặp khó khăn về nợ xấu cản dòng tín dụng, nhưng tiềm năng tăng trưởng khá tốt. Do đó, đây được xem là thời điểm tốt để nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét rót tiền vào cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam nên xem xét việc nới thêm “room” cho các nhà đầu tư ngoại cao hơn so với mức hiện nay”, ông David C. Kadarauch khuyến nghị.
Ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho rằng, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam được đánh giá là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực này. Đáng chú ý, gần đây Chính phủ Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm hơn 30% cổ phần của các ngân hàng Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt, nhằm tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu. Ngoài ra, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể được phép sở hữu lên đến 20% cổ phần của ngân hàng trong nước, mà không cần phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ. “Tuy nhiên, để có thể thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này, cần thiết tạo điều kiện tốt hơn cho họ trong việc nâng tỷ lệ chi phối, để họ có thể dễ dàng trong việc tham gia điều hành cũng như hoạch định chiến lược”, ông Oh Kyung Hee nói.
Đến thời điểm này, về cơ bản, các ngân hàng yếu kém đã được kiểm soát và xử lý thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A); thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện và NHNN từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu để lành mạnh hệ thống. Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực tài chính - chứng khoán, dự kiến, khoảng 1-2 năm tới, khả năng cổ phiếu của các ngân hàng sẽ hồi phục và cải thiện thanh khoản. Còn hiện tại được xem là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn vào ngân hàng nội.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, muốn ổn định và lành mạnh được hệ thống ngân hàng cũng như ổn định được thanh khoản thì phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành. Do đó, trong thời gian tới, chắc chắn các ngân hàng nhỏ, kể cả PGBank, GPBank, Mekong Bank, Southern Bank… sẽ phải sáp nhập. Vì chủ trương của NHNN là đẩy mạnh tái cơ cấu, giảm số lượng ngân hàng để lành mạnh hóa hệ thống, nên sáp nhập được xem là tất yếu. “Chỉ có M&A thì tình hình lãi suất mới ổn định và thanh khoản ngân hàng tốt hơn. Thực tế thị trường trước đây cho thấy, lãi suất vượt trần quy định nhiều và làm thị trường rối loạn cũng chủ yếu do các ngân hàng quy mô nhỏ cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất, ảnh hưởng toàn hệ thống. Nhưng sau khi tái cơ cấu, chắc chắn, hệ thống ngân hàng sẽ lành mạnh hơn trước”, ông Thanh nói.
Theo đại diện của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ngành ngân hàng là một ngành đặc thù nên việc các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn sàng rót vốn vào các ngân hàng Việt hay không sẽ còn tùy thuộc nhiều vào các yếu tố, như chiến lược phát triển phù hợp, triển vọng tăng trưởng tốt và nét tương đồng văn hóa,,, Cụ thể, các tập đoàn tài chính Nhật Bản trong thời gian qua đã gia tăng sở hữu cổ phiếu tại một số ngân hàng Việt Nam, như Vietcombank, VietinBank, Eximbank… thông qua hình thức M&A và tới đây, sẽ có một số ngân hàng TMCP của Việt Nam tiếp tục bán cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản, vì nét tương đồng giữa văn hóa Nhật Bản và Việt Nam khá gần gũi nhau.
Tuy nhiên, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, hiện là Chủ tịch HĐQT DongA Bank, thì việc lựa chọn được đối tác chiến lược phù hợp là hết sức quan trọng để có thể triển khai chiến lược phát triển, khả năng tăng trưởng mới có thể kỳ vọng tốt lên.