Tái cơ cấu ngân hàng, kết quả đạt được còn hạn chế

(ĐTCK) Qua hoạt động sáp nhập, hợp nhất, số lượng NHTM cổ phần đã giảm bớt 5 ngân hàng (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á). Nhìn chung, kết quả của quá trình tái cơ cấu còn khá hạn chế, nhiều mục tiêu tái cơ cấu chưa đạt như: xử lý triệt để nợ xấu, sở hữu chéo, cải thiện quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM.
Tái cơ cấu ngân hàng, kết quả đạt được còn hạn chế

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một cách tiếp cận tổng hợp để xử lý tổng thể các vấn đề của tái cơ cấu hệ thống NHTM, đặc biệt là còn thiếu một khung pháp lý mang tính hệ thống cho thực hiện quá trình tái cơ cấu này trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Chúng tôi cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu của quá trình tái cơ cấu hệ thống các NHTM, cần triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, VAMC có những quyền hạn đặc biệt như có một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, giúp giảm thiểu các vướng mắc trong xử lý nợ xấu và đẩy nhanh tốc độ mua bán nợ. Trước hết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc ủy quyền của VAMC cho các NHTM trong xử lý nợ xấu. Xây dựng chính sách thu hút NĐT nước ngoài tham gia, đồng thời xây dựng thị trường mua - bán nợ, phát triển thị trường trái phiếu và tạo hành lang pháp lý cho chứng khoán hóa các khoản nợ xấu.

Thứ hai, bổ sung quy định về bảo vệ cổ đông thiểu số, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể gián tiếp tham gia hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) các TCTD. Xây dựng quy định định giá tài sản khi thực hiện M&A, trong đó phản ánh đầy đủ giá trị hữu hình và vô hình của TCTD. Chuẩn hóa lại mẫu hợp đồng M&A, quy định cụ thể thời điểm cung cấp thông tin khi thực hiện M&A.

Thứ ba, xử lý tình trạng sở hữu chéo trong các TCTD bằng cách bổ sung quy định người có liên quan, người sở hữu cuối cùng và mở rộng đối tượng phải công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu. NHNN cần quy định số lượng thành viên ban quản trị của NHTM trong trường hợp điều lệ của NHTM không có quy định.

Cần tách biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát, theo đó không cho phép thành viên HĐQT, HĐTV của ngân hàng kiêm nhiệm chức vụ trong ban điều hành. Cũng cần tách bạch chức năng ngân hàng đầu tư và NHTM, nhằm tránh “lỗ hổng” tạo điều kiện cho sở hữu chéo, gây ra những sai phạm về đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD.

Pháp luật hiện hành có quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của các cá nhân cũng như các tổ chức trong NHTM, tuy nhiên, nên bổ sung quy định về mức sở hữu cổ phần tối đa với từng loại cổ đông. Ví dụ, với cổ đông cá nhân, có thể phân chi tiết như: cá nhân tham gia quản lý, cá nhân không tham gia quản lý…

Thứ tư, để cải thiện chất lượng quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động của các NHTM, cần thay đổi cách tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).

Theo đó, Thông tư 13/2010/TT-NHNN nên quy định lại phần tính mẫu số của công thức tính CAR với việc cộng cả rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp; về hệ số rủi ro của các tài sản có trong công thức tính CAR tại Điều 5, cần phân loại tài sản chi tiết và tính đến sự khác biệt giữa các mức độ rủi ro riêng biệt.

Đối với các khoản phải thu, hệ số rủi ro được xác định dựa trên loại hình tài sản đặc biệt (giấy tờ có giá, bất động sản…) và đối tượng (chính quyền trung ương, địa phương; công ty trực thuộc…), nhưng đồng thời phải chi tiết cho rủi ro theo mức độ tín nhiệm của đối tác hoặc theo đặc điểm khoản tín dụng. Bổ sung quy định về giới hạn liên quan đến đòn bẩy tài chính (vốn tự có/tổng tài sản) của các NHTM.

Thứ năm, NHNN cần có lộ trình cụ thể về việc áp dụng Basel II và Basel III. Tăng cường yêu cầu an toàn vốn với mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng. Quản lý mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng dựa theo khuyến nghị của Ủy ban Basel.

Thứ sáu, có các chính sách như: miễn, giảm thuế, phí hợp lý liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 2 năm đối với các TCTD sau khi thực hiện M&A...

Thực hiện cho vay, hỗ trợ nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý dưới hình thức tái cấp vốn đối với các TCTD tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém từ nguồn tiền cung ứng của NHNN. Cho phép TCTD yếu kém, các TCTD tham gia xử lý các TCTD yếu kém thực hiện có lộ trình việc trích lập dự phòng rủi ro, nhằm hỗ trợ về thời gian cho TCTD khắc phục tồn tại tài chính.

Cho phép các TCTD yếu kém, các TCTD tham gia xử lý các TCTD yếu kém được duy trì và có lộ trình xử lý một số vi phạm phát sinh do việc M&A như: sở hữu cổ phần, cấp tín dụng… vượt giới hạn, chưa đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động.

Thứ bảy, xác lập cơ chế cho phép NHNN mua lại cổ phần tại một số NHTM cổ phần để góp phần tháo gỡ vướng mắc của các DNNN trong thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng, của các cổ đông đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ, cũng như đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng sau khi các cổ đông thoái vốn. Xem xét áp dụng biện pháp phá sản một số TCTD.

GS.TS. Trần Thọ Đạt và các cộng sự Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục