Kết quả bước đầu
Sau 4 tháng triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 1260/BGTVT-KHĐT gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và các thành viên Tổ công tác 1121 để báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn, Biên Hòa, cũng như đề xuất đưa vào quy hoạch sân bay mới tại một số địa phương.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn - tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Tổ công tác 1121).
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trên cơ sở kết quả rà soát, nghiên cứu bổ sung, các đơn vị đã đề xuất bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không Thành Sơn và Biên Hòa trong Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, trong Dự thảo Quy hoạch mới nhất, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông kiến nghị bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không quốc nội là Thành Sơn - Ninh Thuận và Biên Hòa - Đồng Nai. “UBND tỉnh Ninh Thuận và Đồng Nai đang lập đề án đầu tư chuyển đổi 2 sân bay nói trên theo phương thức đối tác công tư - PPP để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Nếu đề xuất trên được chấp thuận, thì trong giai đoạn 2021 - 2030, mạng cảng hàng không cả nước được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM. Trong đó, sẽ hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 16 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa).
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, sẽ tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.
Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng khác của Tổ công tác 1121 là tổ chức nghiên cứu, xem xét Đề án Xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP khai thác một số cảng hàng không hiện hữu khác tại Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cần Thơ để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Được biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác 1121, thời gian qua, Bộ GTVT đã xây dựng đề cương chi tiết và gửi các địa phương làm cơ sở xây dựng Đề án. Tính đến tháng 2/2023, mới có 4/6 địa phương là Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng đã hoàn thành đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không. Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến của các thành viên Tổ công tác làm cơ sở để các địa phương hoàn thiện trước khi tổng hợp, báo cáo Tổ công tác.
“Do tính chất phức tạp và tiến độ triển khai hoàn thiện các đề án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép gia hạn báo cáo kết quả nghiên cứu của các địa phương tới thời điểm quý I/2023”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Theo quy hoạch cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, cả nước sẽ hình thành 14 cảng hàng không quốc nội. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Nhu cầu có thực
Một điểm nhấn rất đáng chú ý trong Công văn số 1260/BGTVT-KHĐT là, kết quả rà soát đề xuất, kiến nghị của các địa phương về bổ sung Quy hoạch cảng hàng không giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khá tích cực.
Cụ thể, Bộ GTVT đã nhận được đề xuất của 10 địa phương kiến nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới trong Quy hoạch hệ thống cảng hàng không (Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh).
Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức làm việc với các địa phương có kiến nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới trong Quy hoạch hệ thống cảng hàng không; đánh giá sơ bộ khả năng hình thành cảng hàng không tại các địa phương.
Theo Bộ GTVT, việc khai thác hàng không dân dụng được phân loại theo 2 mô hình là cảng hàng không (phục vụ mục đích vận tải công cộng) và sân bay chuyên dùng (phục vụ mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, mà không phải vận chuyển công cộng hoặc khai thác hàng không chung).
Vì vậy, mục đích chính khi Tổ công tác 1121 làm việc với các địa phương là xác định nhu cầu, mô hình khai thác hàng không dân dụng của các địa phương; đánh giá sơ bộ các yếu tố kỹ thuật về khả năng thiết lập được sân bay, khả năng thiết kế phương thức bay, tổ chức vùng trời. Bộ GTVT khẳng định, kết quả đánh giá chỉ là những nhận định sơ bộ, chưa thể đầy đủ các điều kiện để hình thành được cảng hàng không.
Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, trong số 10 vị trí được các địa phương đề xuất, có 2/10 vị trí (Hà Giang, Tuyên Quang) không khả thi bố trí đường cất hạ cánh, thiết kế phương thức bay do địa hình hiểm trở. Tuy nhiên, các đơn vị đề xuất, địa phương có thể nghiên cứu ở vị trí khác khả thi hơn. Có 8/10 vị trí có khả năng bố trí đường cất hạ cánh, thiết kế phương thức bay, nhưng phần lớn có sự xung đột và chồng lấn về vùng trời, một số vị trí cần có số liệu khảo sát, đánh giá cụ thể về tĩnh không đầu, tĩnh không sườn để đánh giá khối lượng san, gạt và số liệu liên quan khác.
Trên cơ sở kết quả làm việc, đến nay, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến của 9/10 địa phương (Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Khánh Hòa, Tây Ninh) đối với nội dung bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới. Trong đó, UBND tỉnh Sơn La đề nghị tiếp tục tập trung quy hoạch cảng hàng không Nà Sản trong Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, đề xuất quy hoạch sân bay Mộc Châu theo hướng là sân bay chuyên dùng, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch.
Các địa phương còn lại đều đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới và kiến nghị giao địa phương xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển cảng hàng không dân dụng đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư bảo đảm tính khả thi, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, để khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương, hệ thống giao thông tỉnh Hà Giang cần có sự phát triển mang tính đột phá. Cùng với hệ thống đường bộ kết nối với các cao tốc trong khu vực, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng sân bay tại Hà Giang là hết sức cần thiết, bảo đảm vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Hiện UBND tỉnh Hà Giang vẫn quyết tâm sớm gia nhập các địa phương sở hữu sân bay khi đã đưa vào Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng để máy bay A320, A321 có thể cất, hạ cánh trên diện tích đất khoảng 500 ha.
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, nhu cầu quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông nhằm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là chính đáng. “Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi về quy hoạch, cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá kỹ hơn các yếu tố về kinh tế - kỹ thuật, nhất là khi các dự án sân bay mới này đều tiến hành đầu tư theo hình thức xã hội hóa”, ông Sơn phân tích.