Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Theo đó, Dự án có điểm đầu tại Km2239+700 trên Quốc lộ 1, điểm cuối tại Km2253+340 với chiều dài tuyến là 14,3 km. Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; mặt cắt ngang mặt đường 11m, mặt đường láng nhựa. Ngoài phần đường, Dự án còn xây dựng nút giao khác mức tại đầu tuyến giao với Quốc lộ 1 tại Km2239+700 và nút giao cùng mức tại cuối tuyến giao với Quốc lộ 1 tại Km2253+340.
Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến là 1.728,645 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 1.158,694 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là 192,043 tỷ đồng... được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Bộ GTVT dự kiến bố trí 55 tỷ đồng trong kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ GTVT, số vốn còn lại (1.673,645 tỷ đồng) sẽ tiếp tục bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 51 và Điều 52). Thời gian thực hiện Dự án là từ năm đến năm 2022.
Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 7 có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án theo các nội dung phê duyệt và tận dụng tối đa kết quả nghiên cứu trước đây để tiết kiệm chi phí đầu tư; căn cứ kết quả thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan, số liệu khảo sát chi tiết, chỉ đạo Tư vấn tính toán, lựa chọn giải pháp tối ưu trên cơ sở so sánh kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo ổn định công trình và hiệu quả đầu tư.
Ban Quản lý dự án 7 cũng được giao làm chủ đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau theo các quy định hiện hành; trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn đi qua TP. Cà Mau nhằm giảm tải cho Quốc lộ 1 đoạn đi qua trung tâm thành phố, giảm thiểu ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triên kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối với đường Vành đai 3, đường Hành lang ven biển phía Nam nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch của địa phương; từng bước hoàn chỉnh mạng lưới GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.