Xây dựng kịch bản phát triển quốc gia sau đại dịch

Ngoài việc xác định những việc cần làm ngay để có những phản ứng chính sách kịp thời, cũng cần chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia để đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Sau khi chống dịch xong, sản xuất sẽ được khôi phục sớm. Trong ảnh: Xưởng khuôn đúc của Nhà máy Nhựa Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh Sau khi chống dịch xong, sản xuất sẽ được khôi phục sớm. Trong ảnh: Xưởng khuôn đúc của Nhà máy Nhựa Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Đã đến lúc chuẩn bị cho “hậu” Covid-19

Dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, song các bước chuẩn bị cho phục hồi kinh tế thời kỳ “hậu dịch” được cho là cần phải thực hiện ngay từ bây giờ.

Để chuẩn bị cho điều đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện 2 phần việc quan trọng. Đó là xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có phản ứng chính sách kịp thời, đồng thời chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Hai việc trên, theo Bộ trưởng, không chỉ giúp giảm tối đa ảnh hưởng của dịch lên nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân, mà quan trọng hơn, còn giúp Việt Nam đánh giá và dự báo những xu hướng thay đổi, trật tự trong khu vực và trên thế giới từ tác động của dịch, từ đó chuẩn bị những giải pháp, kịch bản để tận dụng cơ hội và xu thế phát triển mới trên toàn cầu, tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế đất nước.

Trên thực tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không thể “ôm cây đợi thỏ”. Lý do là, sau khi chống dịch xong, sản xuất sẽ được khôi phục sớm, nền kinh tế sẽ sớm thoát khỏi điểm sinh tử để hồi phục dần. Do đó, Việt Nam cần tính các bước phục hồi của kinh tế thế giới, nương theo nó để nắm bắt cơ hội và tìm cách bứt phá.

Còn các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, do mức độ kết nối của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu rất lớn, nên nếu đại địch được kiểm soát ở Việt Nam, thì cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay khi dịch vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Bởi thế, cần xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn, nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.

Các kịch bản chính sách này, theo các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra, đó là nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc cùng lắm đến hết quý II, thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”.

Hỗ trợ là khi Chính phủ công bố các gói hỗ trợ những người lao động mất việc làm kéo dài, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đối tượng này có khả năng chống chịu kém… Còn giải cứu thì không chỉ cần tập trung vào thanh khoản, mà còn là khả năng thanh toán của các doanh nghiệp. Và đặc biệt là tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.

Đây rõ ràng là những kịch bản chính sách cần phải thực hiện. Nhưng câu chuyện ở đây, bây giờ, không chỉ là “hỗ trợ” hay “giải cứu”, mà còn cần kịch bản chính sách có tầm nhìn dài hạn hơn, để đón đầu sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Cần tư duy mới, cách tiếp cận mới

Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam sẽ xây dựng kịch bản phát triển quốc gia để đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch thế nào?

“Chúng ta cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch Covid-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất - kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 sẽ khiến các cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Vì thế, đây chính là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế mà Việt Nam đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu; đồng thời, hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp toàn cầu và khu vực trong xử lý các cú sốc kiểu Covid-19.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam hiện nay, không thể chỉ giải quyết được bằng tiền. “Chưa thấy nước nào giải cứu được nền kinh tế vượt qua khủng hoảng bằng tiền. Tại khủng hoảng 2008-2009, nhiều nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế lớn, nhưng không cứu được nền kinh tế, mà hệ lụy là dẫn tới khủng hoảng nợ công. Để giải quyết, phải xử lý bằng thể chế, chính sách. Chúng ta đang có nhiều dư địa để cải cách thể chế, chính sách. Nhân cơ hội này, phải đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế”, chuyên gia Võ Đại Lược nói.

Cú sốc Covid-19 đang đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái nhanh hơn, nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cốt tử của phương thức kinh doanh cũ, gồm cả vấn đề phát triển và các rủi ro xung quanh chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng hưởng thêm tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, thì cấu trúc kinh tế thế giới sẽ còn có những biến đổi sâu sắc hơn nữa.

Bởi thế, nói như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây chính là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời. Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh…, nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch, mà dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh.

“Không thể lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, dự kiến được tổ chức vào hôm nay (10/4), Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất về nội dung này, xin chủ trương của Chính phủ cho phép tiếp tục nghiên cứu, thảo luận về vấn đề xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi hậu Covid-19.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục