Đầu tư 146.990 tỷ đồng xây cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ là một trong những công trình hạ tầng động lực, giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế đất nước.
Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông) giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, được đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách. Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông) giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, được đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách.

Sự thay đổi hợp lý

“Với tư cách là nhà đầu tư, chúng tôi luôn mong có nhiều dự án triển khai theo hình thức PPP, nhưng tại thời điểm này, tiềm lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp hạ tầng giao thông đã cạn, việc tiếp cận vốn tín dụng rất khó khăn, nên việc Chính phủ đề xuất đầu tư toàn bộ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bằng vốn ngân sách là điều hợp lý”, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Phương Thành khẳng định.

Nhận định của ông Khôi là có cơ sở bởi sau khi tham gia đầu tư Dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trị giá hơn 8.000 tỷ đồng, Phương Thành đã không còn năng lực tài chính để tham gia đấu thầu tại các dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2021. Đây cũng là tình trạng chung của các nhà đầu tư hạ tầng đường bộ trong những năm gần đây.

“Tôi cũng rất bất ngờ về sự thay đổi này, nhưng đây là quyết định quyết đoán, hợp lý của Chính phủ. Sử dụng vốn đầu tư công không chỉ giúp tiết giảm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai, mà còn giúp cả trăm ngàn tỷ đồng vốn được đưa vào sản xuất, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế”, ông Khôi đánh giá.

Cần phải nói thêm rằng, vào đầu tuần này, Chính phủ đã có Tờ trình số 519/TTr-CP đề nghị Quốc hội thông qua Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Tờ trình số 519 là việc Chính phủ kiến nghị chia Dự án (dài 729 km, quy mô 4 làn xe, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau) thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công.

Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân Dự án, Chính phủ tính toán sẽ cần bố trí khoảng 139.640 tỷ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại (khoảng 7.350 tỷ đồng) chuyển tiếp bố trí trong giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, nguồn vốn đầu tư Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ bố trí từ vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (47.169 tỷ đồng) và từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đặt quan tâm chính trị là hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2025, nhằm tạo động lực cho chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đây là thay đổi rất đáng chú ý, bởi tại Tờ trình số 11792/TTr-BGTVT về Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án gửi Thủ tướng vào ngày 6/11/2021, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kiến nghị chia công trình thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập; trong đó, 4 dự án thành phần triển khai theo phương thức PPP, 8 dự án thành phần còn lại đầu tư công.

Trước đó, ngày 22/9/2021, Chính phủ đã có Tờ trình số 334/TTr-CP trình Quốc hội Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Tại Tờ trình số 334/TTr-CP, Chính phủ kiến nghị, trong giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư 9 dự án thành phần theo phương thức PPP, chiều dài khoảng 552 km; 3 dự án thành phần còn lại từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), dài khoảng 177 km, triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, so với phương án tại Tờ trình 11792, tổng mức đầu tư Dự án được đề cập tại Tờ trình số 519 giảm khoảng 3.000 tỷ đồng nhờ không mất chi phí lãi vay cho 4 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP.

Đồ họa: Đan Nguyễn
Đồ họa: Đan Nguyễn

Sẽ tổ chức nhượng quyền thu phí

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, nếu chủ trương đầu tư Dự án được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2021, thì việc tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi có thể kết thúc vào tháng 9/2022, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến (dự kiến kéo dài 17 tháng); lựa chọn nhà thầu từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023; tổ chức thi công từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2025.

Tại Tờ trình số 519, Chính phủ cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, với mục tiêu thu hút tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư đường bộ cao tốc, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án đầu tư toàn bộ các dự án theo phương thức PPP.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu triển khai toàn bộ các dự án theo phương thức PPP, khả năng thành công sẽ không cao; nếu không thành công phải chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ chậm tiến độ, không đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành Dự án vào năm 2025 của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Kinh nghiệm từ việc triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2021 cho thấy, trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, thời gian thực hiện sẽ kéo dài thêm tối thiểu khoảng 9 tháng (do phải thực hiện các thủ tục: báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển đổi sang hình thức đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư; thẩm định, phê duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, dự toán; lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu…).

Trường hợp đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư, nhưng trong quá trình triển khai, nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, thời gian thực hiện sẽ kéo dài thêm tối thiểu khoảng 22 tháng, so với trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư thì kéo dài thêm 13 tháng (gồm thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng và thời gian để nhà đầu tư huy động tín dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 76, Luật PPP).

Cần phải nói thêm, mặc dù triển khai toàn bộ Dự án theo hình thức đầu tư công, nhưng cơ hội tham gia của các nhà đầu tư tư nhân tại 12 dự án thành phần vẫn rất lớn, khi Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép, khi hoàn thành công trình, tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.

Đây là phương án được đánh giá là có lợi cho Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, bởi theo tính toán sơ bộ, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần thì trong 5 năm đầu, có thể thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn nhà nước, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng; nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu), thì trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn nhà nước, trong 10 năm khoảng 30.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi đánh giá cao đề xuất này, bởi đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ sớm ban hành hành lang pháp lý rõ ràng cho vấn đề này”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ cho biết.

Một điểm mới nữa tại Tờ trình số 519 là việc Chính phủ kiến nghị giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức thực hiện các dự án thành phần theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Theo Chính phủ, trong thời gian vừa qua, một số địa phương được giao quản lý, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc đã tạo được tính chủ động, kịp thời trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng (như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, công tác vận động, tuyên truyền người dân…). Đồng thời, việc phân cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

TSKH. Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, có thể mạnh dạn phân cấp cho địa phương, nhưng cần phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Do quy mô dự án lớn, phức tạp về kỹ thuật, nên các bộ quản lý chuyên ngành phải xây dựng được khung tiêu chuẩn chi tiết về năng lực ban quản lý, tiêu chí lựa chọn nhà thầu và nhất là phải tăng cường kiểm tra, giám sát khi thực hiện phân cấp. Nếu địa phương không đủ năng lực quản lý, thì cần áp dụng các biện pháp khác như thuê tư vấn quản lý dự án hoặc tiếp tục để bộ quản lý chuyên ngành làm chủ dự án.

“Trước đây, các dự án đường cao tốc thường do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, giờ giao các địa phương vốn không có năng lực, kinh nghiệm như bộ quản lý chuyên ngành, nên điểm yếu, điểm mạnh thế nào phải đánh giá đúng và đề xuất cho chuẩn”, ông Nguyễn Ngọc Long phân tích.

Cấn cá năng lực quản lý dự án của các địa phương

Theo Hội đồng Thẩm định Nhà nước, việc đề xuất cơ chế giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương để triển khai đầu tư các dự án thành phần cần phải lưu ý 6 vướng mắc:

Một là, khó đảm bảo tính đồng bộ của dự án do mỗi địa phương sẽ triển khai một cách khác nhau.

Hai là, công tác chỉ đạo điều hành sẽ phân tán, không tập trung.

Ba là, khó đảm bảo sự đồng bộ đấu nối giữa các tỉnh với nhau, khó khăn trong phân đoạn Dự án, thẩm quyền phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án và thực hiện đầu tư theo Luật Đầu tư công, khi có tới 6 dự án nằm trên địa bàn 2 tỉnh trở lên.

Bốn là, các quy định của Luật Ngân sách về việc giao vốn ngân sách Trung ương về địa phương rất phức tạp.

Năm là, năng lực quản lý dự án của các địa phương được giao nhiệm vụ còn hạn chế, nên có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình, cũng như sự vận hành đồng bộ của công trình; vai trò, trách nhiệm của Bộ GTVT đối với việc giao các địa phương, quản lý triển khai các dự án thành phần.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục