Dầu thô tiếp tục lao dốc, cản bước chứng khoán

(ĐTCK) Tiếp tục nhận thông tin bất lợi, giá dầu thô của phiên thứ 2 liên tiếp giảm hơn 3%, cản bước phục hồi của chứng khoán.
Chứng khoán châu Âu có phiên phục hồi hụt vì giá dầu thô (Ảnh minh họa: AFP) Chứng khoán châu Âu có phiên phục hồi hụt vì giá dầu thô (Ảnh minh họa: AFP)

Sau phiên giảm mạnh trước đó, phố Wall đã trở lại trong phiên thứ Tư nhờ cổ phiếu Apple tăng mạnh lên mức cao nhất năm, cũng như kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất trong kỳ vọng diễn ra vào tuần tới. Tuy nhiên, đà tăng yếu dần về cuối phiên, trong đó Dow Jones và S&P 500 quay đầu giảm do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô tiếp tục lao dốc.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số Dow Jones giảm 31,98 điểm (-0,18%), xuống 18.034,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,25 điểm (-0,06%), xuống 2.125,77 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,52 điểm (+0,36%), lên 5.173,77 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng nỗ lực phục hồi sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp, tuy nhiên, nỗ lực bất thành vào cuối phiên khi giá dầu thô tiếp tục lao dốc và cổ phiếu của Bayer quay đầu tư mức tăng 4,7% chỉ còn tăng 0,3% vào cuối phiên sau khi thỏa thuận mua lại Monsanto của đại gia dược Đức bị phá vỡ.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,68 điểm (+0,12%), lên 6.673,31 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 8,2 điểm (-0,08%), xuống 10.378,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 16,92 điểm (-0,39%), xuống 4.370,26 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm trở lại, xuống mức thấp nhất 2 tuần rưỡ sau phiên phục hồi trước đó do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm sâu. Cổ phiếu dòng ngân hàng giảm do kỳ vọng khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục giảm lãi suất, đưa xuống mức âm hơn nữa.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông chỉ biến động nhẹ khi giới đầu tư chờ đợi cuộc họp vào tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 114,8 điểm (-0,69%), xuống 16.614,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 25,12 điểm (-0,11%), xuống 23.190,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 20,84 điểm (-0,69%), xuống 3.002,67 điểm.

Sau chuỗi giảm liên tiếp, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt, giúp giá vàng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, do nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Fed, nên giá kim loại quý cũng chỉ hồi phục kiêm tốn.

Kết thúc phiên 14/9, giá vàng giao ngay tăng 4,2 USD (+0,32%), lên 1.322,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,4 USD (+0,18%), lên 1.326,1 USD/ounce.

Dầu thô tiếp tục gặp thông tin bất lợi khi báo cáo mới nhất cho thấy, do dự trữ sản phẩm chưng cất (dầu diesel và dầu sưởi ấm) của Mỹ trong tuần trước tăng 4,6 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 1,5 triệu thùng của giới phân tích. Đây là tuần tăng lớn nhất kể từ tháng Giêng, đưa tổng kho dự trữ sản phẩm chưng cất lên mức cao nhất 6 năm. Dự trữ xăng cũng tăng mạnh, nhưng dự trữ dầu thô lại giảm 559.000 thùng.

Thông tin trên khiến giá dầu thô có phiên giảm mạnh hơn 3% thứ 2 liên tiếp trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 14/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,32 USD/thùng (-3,03%), xuống 43,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,25 USD (-2,73%), xuống 45,85 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục