Hoài nghi về các động thái lãi suất và tiền tệ

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu đang trải qua một mùa Hè “kỳ lạ” với sự biến động thất thường của giá cổ phiếu và trái phiếu trong những ngày qua. Sự bất ổn định đó khiến giới đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi về các biện pháp kích thích tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương lớn.
Chứng khoán xuống dốc là cơ hội để kiếm tiền, song cũng là bẫy giá trị để nhà đầu tư mắc các sai lầm Chứng khoán xuống dốc là cơ hội để kiếm tiền, song cũng là bẫy giá trị để nhà đầu tư mắc các sai lầm

Tại Mỹ, lĩnh vực dịch vụ của nước này trong tháng 8 vừa qua bất ngờ sụt giảm, khi báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy, chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI - một trong những thước đo chính đánh giá tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế) đã giảm xuống 51,4 so với mức 55,5 của tháng 7.

Các đơn đặt hàng mới và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này giảm mạnh, kết hợp với tăng trưởng việc làm yếu đã tạo nên kết quả đáng thất vọng trên.

Điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn khi tăng lãi suất, hoặc có thể sẽ phải chờ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Rủi ro lãi suất trong trung hạn của Mỹ tăng lên và nguy cơ xảy ra khủng hoảng tăng gấp đôi so với năm ngoái, song sự phục hồi lòng tin phần nào của người tiêu dùng và thị trường bất động sản có diễn biến khả quan cho thấy, kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái ít nhất trong vài tháng tới.

Tình thế lãi suất tại châu Âu, Nhật Bản và Vương quốc Anh có sự khác biệt rất lớn so với Mỹ. Trong khi Fed phát đi những tín hiệu cẩn trọng thì các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới vẫn theo đuổi các biện pháp chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia hạn các biện pháp nới lỏng định lượng (QE) sau tháng 3/2017. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy kinh tế châu Âu sẽ suy giảm tức thì do hệ quả của việc Vương quốc Anh bỏ phiếu lựa chọn ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Điều này cho phép ECB có thêm cơ sở để không cần thiết đưa ra các biện pháp ứng phó khẩn cấp, song có thể khiến một bộ phận nhà đầu tư cảm thấy thất vọng, nhất là khi chỉ số lạm phát cơ bản của khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn dưới ngưỡng mục tiêu.

Giới đầu tư cũng cảm thấy lo ngại về những thách thức hoạt động mà ECB đang phải đối mặt, như việc cạn kiệt nguồn trái phiếu để mua vào hay dư địa để cắt giảm thêm lãi suất. Tuy nhiên, Neil Dwane, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Allianz Global Investors cho rằng, tình trạng lãi suất âm hiện không phát huy tác dụng tại châu Âu.

“Tại châu Âu, lãi suất âm không phát huy hiệu quả. Dù Chủ tịch ECB Mario Draghi có bơm thêm bao nhiêu tiền đi nữa, nó sẽ không giúp ích nhiều cho kinh tế Eurozone và các ngân hàng”, Neil Dwane nói.

Tại Nhật Bản, các nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng thực thi các biện pháp kích thích và liệu cuộc họp sắp tới, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất âm và nới lỏng định lượng hay không.

Thị trường không chỉ phản ứng trước động thái của các ngân hàng trung ương, mà còn trước các bất định chính trị trước mắt, như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay, đàm phán để Anh ra khỏi EU một cách thuận lợi, hay trưng cầu dân ý tại Italia.

Thực tế, những ngày sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU (cuối tháng 6/2016), thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm xuống các mức thấp kỷ lục và giá trị vốn hóa “bốc hơi” hơn 3.000 tỷ USD. Tình trạng chứng khoán xuống dốc ra trong những ngày qua đã đem các nhân rủi ro trở lại thị trường và cảnh báo các nhà đầu tư về sự bất ổn tiềm ẩn.

Vì thế, ngay cả khi suy thoái không xảy ra, thị trường có thể chứng kiến những ngày không bình lặng cuối cùng của mùa Hè 2016. Alastair Winter, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Tư vấn đầu tư Daniel Stewart cho rằng, mỗi khi thị trường xuống dốc như thời gian qua, phản ứng của nhà đầu tư lại trở nên nhạy cảm hơn. Đây là cơ hội lớn để kiếm tiền, song cũng là bẫy giá trị để mắc các sai lầm khủng khiếp.

​Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục