Dấu hỏi về tương lai “ngã tư quốc tế” Hong Kong

Tương lai chính trị và kinh tế của Hong Kong đang là dấu hỏi lớn, giới phê bình chính trị trước mắt đặt hy vọng vào cuộc gặp giữa Anh và các đồng minh G7 trong tháng 6.
Người dân Hong Kong tụ tập ủng hộ biểu tình tại khu vực Kwun Tong ngày 27/11/2019. Ảnh: AFP Người dân Hong Kong tụ tập ủng hộ biểu tình tại khu vực Kwun Tong ngày 27/11/2019. Ảnh: AFP

Lo ngại tự do chính trị của Hong Kong bị thu hẹp 

Trước khi hoạt động di chuyển toàn cầu bị "đóng băng" bởi đại dịch Covid-19, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), đã bóng gió về cuộc tấn công có ý đồ trong cuộc gặp với các đại diện xuất sắc toàn cầu.

Việc phái đoàn của bà Lâm tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) phát đi thông điệp tới nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp rằng Hong Kong đã vững vàng trở lại sau nhiều tháng đối mặt với biểu tình và bạo loạn.

"Hong Kong rộng cửa chào đón doanh nghiệp", một thành viên đoàn công tác của bà Lâm khẳng định trong buổi tiệc với cocktail, dim sum và sô-cô-la hình đồng tiền tại Davos, Thụy Sĩ.

Làn sóng biểu tình và bạo loạn tại Hong Kong không dừng ở năm 2019 và kéo dài sang năm 2020. Ishaan Tharoor, cây bút ngoại giao của tờ Washington Post, bình luận vài tháng sau Diễn đàn Kinh tế Thế giới, những gì bà Lâm thể hiện trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị đang bủa vây Hong Kong là chưa nhiều.

Ngay sau khi Trung Quốc phê chuẩn áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, bà Lâm và các đồng mình ủng hộ Bắc Kinh tranh luận liệu động thái của Bắc Kinh có cần thiết để bảo vệ pháp luật và trật tự tại Hong Kong sau những căng thẳng và xung đột giữa người biểu tình ủng hộ dân chủ và chính quyền.

Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC, tức Quốc hội) hôm 28/5 phê chuẩn áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, một động thái làm dấy lên lo ngại luật này sẽ chặn đứng quyền tự chủ vốn đang suy yếu của đặc khu này.

Dù chưa được chính thức hóa, nhưng luật này được dự báo sẽ làm thu hẹp căn bản tự do chính trị của Hong Kong vì đưa ra các biện pháp hình sự hóa hoạt động biểu tình và chỉ trích Bắc Kinh.

Giới phê bình cho rằng động thái trên là minh chứng mới nhất cho việc Trung Quốc coi nhẹ tự do của Hong Kong và làm suy yếu mô hình chính trị "một quốc gia, hai chế độ" được áp dụng sau khi Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.

"Hầu hết phản ứng về việc Trung Quốc phê chuẩn áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong không đơn thuần xoáy vào việc luật quy định cái gì mà là chuyện áp dụng thế nào", Holmes Chan, một nhà báo thường trú tại Hong Kong nêu.

"Thực tế, Hong Kong có dạng văn bản như hiến pháp riêng, trong đó có một điều quy định về an ninh quốc gia, nhưng văn bản cũng nêu rõ Hong Kong sẽ ban hành các luật riêng. Nhưng tối qua, cơ quan lập pháp Hong Kong bỏ ngoài tai chuyện Bắc Kinh bỏ phiếu thông qua việc đơn phương áp dụng các luật quốc gia nhất định đối với Hong Kong theo cơ chế ‘cửa sau’", Holmes Chan bình luận.

Phương Tây lên án Trung Quốc

"Ngã tư quốc tế" Hong Kong lâu nay không chỉ là nơi giao thoa văn hóa Á - Âu mà còn đóng vai trò trung tâm tài chính quốc tế quan trọng của thế giới. Thế giới đang dõi theo bất cứ động thái liên quan đến "ngã tư quốc tế" này. Chính quyền Mỹ, Anh, Canada và Australia đồng loạt lên án việc Trung Quốc quyết định áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong.

"Nếu Trung Quốc phá bỏ luật pháp ở Hong Kong, đồng nghĩa sẽ đánh mất cơ hội duy trì Hong Kong là trung tâm tài chính lớn của thế giới. Đây cũng là kênh trung chuyển 2/3 lượng vốn đầu tư trực tiếp ra vào Trung Quốc", ông Chris Patten, Thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong nói.

Anh và các nước thành viên G7 sẽ nhóm họp trong tháng 6. Cựu Thống đốc Chris Patten đã thúc giục Anh và các đối tác trong nhóm G7 đưa ra quan điểm về chế độ của Trung Quốc - cái mà ông Patten gọi là "kẻ thù của xã hội mở cửa".

Trước các câu hỏi về tương lai chính trị và kinh tế của Hong Kong, nhiều quan chức Anh đang đứng trước sức phải gia hạn thị thực cho hàng trăm nghìn người Hong Kong sinh trong thời kỳ thuộc địa.

Về phía Mỹ, chính quyền Washington hôm 27/5, thông qua Ngoại trưởng Mike Pompeo, phát đi thông điệp tới Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong có thể không còn được Mỹ đối xử ưu đãi so với Trung Quốc đại lục. Thế nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp/tổ chức của Hong Kong lâu nay luôn được che chở trong cuộc chiến thương mại mà chính quyền Trump nhằm vào Trung Quốc.

"Điều này (việc rút các ưu đãi đặc biệt) đồng nghĩa chính quyền Mỹ có thể áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Hong Kong tương đương với hàng Trung Quốc, một động thái mà David J. Lynch, một nhà báo viết kinh tế lâu năm của Washington Post cho rằng sẽ nguy hại đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Nhà Trắng vẫn chưa đánh tiếng khi nào áp dụng chính sách thuế trên nhưng ông Trump thì cho thấy thái độ "bực dọc" với lãnh đạo Trung Quốc về sự bùng phát của dịch Covid-19 cũng như ý đồ trả đũa.

"Ông chủ" Nhà Trắng dự kiến sẽ chủ trì họp báo về quan hệ Mỹ - Trung trong ngày 29/5. Động thái cứng rắn của chính quyền Mỹ hiện được trợ lực mạnh mẽ từ lưỡng đảng khi các nhà lập pháp ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tuần này đều lên án Trung Quốc.

Hạ viện Mỹ trung tuần này đã thông qua dự luật kêu gọi các biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc có liên quan đến việc giam giữ hơn 1 triệu người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số Turk theo Hồi giáo tại khu tự trị Tân Cương. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng đang đẩy mạnh đạo luật có thể buộc các công ty Trung Quốc rời 2 sàn chứng khoán New York và Nasdaq.

Hiện chưa thấy Bắc Kinh đưa phản ứng dữ dội về các vấn đề trên. Vào thời điểm đại dịch tác động nặng nề đến nền kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ nhận thấy cách tiếp cận cứng rắn đối với Hong Kong là một biện pháp khuấy động tinh thần dân tộc trong nước. Biện pháp này cũng phù hợp với động thái hung hăng hơn của Trung Quốc, từ việc kích hoạt các phương tiện truyền thông xã hội mới thông qua phát ngôn của các nhà ngoại giao, cho đến các động thái khiêu khích của quân đội Trung Quốc dọc biên giới tranh cấp trên dãy Himalaya với Ấn Độ.

"Trung Quốc giờ đây dường như từ bỏ hy vọng về mối quan hệ ổn định với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump", chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) đánh giá. "Hành động của Trung Quốc đối với Hong Kong, gây áp lực lên Đài Loan và chiến dịch làm sai lệch thông tin trên toàn cầu, tất cả đều cho thấy Bắc Kinh không còn quan tâm nhiều đến phản ứng của Mỹ về các quyết sách của mình", bà Glaser nói thêm.

Trong khi đó, bất chấp nguy cơ đàn áp mới, những người biểu tình ở Hong Kong vẫn không bỏ cuộc. "Tước quyền của Hong Kong không phải là lựa chọn, vì đây là nơi chúng tôi gọi là nhà: không có tương lai cho chúng tôi nếu nhà bị xâm phạm", Joshua Wong và Glacier Kwong, hai nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hong Kong nêu quan điểm.

Hai nhà hoạt động ủng hộ dân chủ quả quyết, cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền tại Hong Kong là cuộc đấu tranh vì người Hong Kong và thế giới, đồng thời tin tưởng sẽ giành chiến thắng.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục