Dấu hỏi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Chiều tối 28/8/2019 xảy ra vụ cháy tại nhà xưởng Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), nhưng đến hết ngày 8/9/2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vẫn chưa nhận được giải trình, công bố thông tin xác minh ước tính thiệt hại tài sản và ảnh hưởng tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh từ Công ty.
Dấu hỏi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp niêm yết

Công ty Rạng Ðông chậm trễ công bố thông tin liên quan đến vụ cháy là hoàn toàn khó hiểu, khi Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã quy định, công ty đại chúng phải công bố thông tin trong thời hạn 24 giờ kể từ sau khi xảy ra sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc tình hình quản trị của công ty.

Ðáng lo ngại hơn, Rạng Ðông có dấu hiệu lập lờ, thậm chí là gian dối khi cung cấp thông tin rằng, Công ty đã nghiên cứu sử dụng viên amalgam thay thế thủy ngân để sản xuất bóng đèn từ năm 2016, nên các sản phẩm bị cháy đều vô hại với môi trường.

Mãi cho đến một tuần sau đó, lãnh đạo của Rạng Ðông mới thừa nhận, kho chứa sản phẩm rộng khoảng 6.000 m2 bị cháy hôm đó có 480.000 bóng đèn huỳnh quang chứa 9,6 kg thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên amalgam).

Trong khi báo đài tập trung vào trách nhiệm của các cơ quan công quyền TP. Hà Nội và người dân bức xúc đòi kiện Rạng Ðông, thì thị trường cổ phiếu tỏ ra khá “thông cảm” với công ty này.

Cổ phiếu RAL của Rạng Ðông giảm từ mức giá trên 84.000 đồng/cổ phiếu trước thời điểm xảy ra sự cố xuống dưới 72.000 đồng/cổ phiếu (tính luôn cả tác động chia cổ tức bằng tiền mặt), rồi phục hồi lên trên 75.000 đồng/cổ phiếu. Nếu chuyện này xảy ra ở châu Âu, mức mất giá có lẽ phải gấp vài lần RAL.

Với một sự cố có tính môi trường nghiêm trọng và với những hành vi có dấu hiệu giấu giếm, chậm công bố thông tin như vậy, đây sẽ là một thảm họa với công ty niêm yết ở Mỹ hay Anh, vì công ty đã đạp lên trên những tiêu chuẩn tối thiểu về công bố thông tin và trách nhiệm với môi trường và xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR).

Trách nhiệm xã hội đã không còn là một cái mốt thời thượng làm cho có nữa, mà đã trở thành một chuẩn mực mà các công ty niêm yết (và cả không niêm yết) bị theo dõi sát sao.

Nhiều báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra ngày càng nhiều bằng chứng là nhà đầu tư thuộc thế hệ Thiên niên kỷ (sinh từ 1981 - 1996) có xu hướng tránh đầu tư vào những công ty không có trách nhiệm xã hội.

Trước đây, trách nhiệm xã hội của một công ty được hiểu đơn giản là công ty có tham gia hoạt động từ thiện, đóng góp cho cộng đồng, trường học trong khu vực mà họ hoạt động.

Nay trách nhiệm xã hội được hiểu rộng hơn là công ty phải có trách nhiệm giải trình không chỉ với cổ đông, mà còn với người lao động và cộng đồng nơi công ty hoạt động kinh doanh.

Tối đa hóa lợi ích cổ đông mà vi phạm lợi ích cộng đồng thì công ty đó sẽ không được xem là có trách nhiệm xã hội.

Một số sở giao dịch ở châu Âu đang xem xét việc loại bỏ các công ty niêm yết có trách nhiệm xã hội không tốt và đưa đánh giá trách nhiệm xã hội trong quá khứ vào một trong những tiêu chuẩn niêm yết.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, số quỹ đầu tư chỉ đầu tư vào công ty có trách nhiệm xã hội tăng rất nhanh.

Một số sở giao dịch ở châu Âu đang xem xét việc loại bỏ các công ty niêm yết có trách nhiệm xã hội không tốt và đưa đánh giá trách nhiệm xã hội trong quá khứ vào một trong những tiêu chuẩn niêm yết

Ðó là bởi vì giới tài chính hiểu ra, người dân thật sự đang quan tâm đến môi trường, chứ đây không phải là một mốt thời thượng và sẵn sàng tẩy chay dài hạn, thậm chí theo đuổi những vụ kiện có tính đại diện (class-action suit) với những công ty không có trách nhiệm xã hội. Nếu công ty thua kiện, họ sẽ phải đền bù cho tất cả những người trong cộng đồng đó, chứ không phải chỉ người đi kiện.

Không chỉ là vấn đề kiện tụng, nhiều nhà quản lý quỹ và thành viên hội đồng quản trị khi đã chấp nhận tham gia vào một thỏa thuận CSR sẽ từ chối đầu tư hay ngồi vào hội đồng quản trị các công ty niêm yết không có trách nhiệm xã hội.

Và một thế hệ nhà báo mới sẽ bám đuổi những công ty không có trách nhiệm xã hội tới cùng.

Giá trị thương hiệu của những công ty này vì vậy sẽ bị tổn hại không lường hết. Ðó là chưa kể những chi phí kiện cáo thường xuyên xuất hiện “bất ngờ” trên báo cáo tài chính hết năm này đến năm khác.

Vậy thì tại sao Rạng Ðông lại bình thản như vậy? Vì sao Công ty không bị phạt nặng cho các hành vi giấu giếm, chậm công bố thông tin?

Rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ trong vụ việc của Rạng Ðông.

Nếu vụ việc này trôi qua một cách êm thấm, tôi sẽ có câu trả lời cho các câu hỏi: vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam có các hiện tượng như lãnh đạo công ty “bùa phép” số liệu sổ sách, làm giá cổ phiếu; vì sao thị trường chưa được nâng hạng, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư lớn…?

Câu trả lời là chẳng ai quan tâm phạt nặng công ty niêm yết khi họ vi phạm để nhà đầu tư thiểu số cảm thấy được bảo vệ và có thể tin tưởng vào công ty niêm yết. Những chương trình đào tạo về quản trị công ty và trách nhiệm xã hội mà các tổ chức quốc tế đang triển khai ở Việt Nam sẽ không thể giúp ích nhiều nếu như thiếu đi một mức chế tài nghiêm minh cho những vi phạm.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ