Cam kết trách nhiệm xã hội: Làm không tốt sẽ suy giảm thương hiệu

(ĐTCK) Người tiêu dùng Việt ngày nay quan tâm nhiều hơn tới môi trường. Doanh nghiệp cũng chú trọng hơn trong các hành động phát triển bền vững vì cộng đồng. Nhưng nếu thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu doanh nghiệp .
Ảnh shutterstock. Ảnh shutterstock.

Hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm có cam kết tích cực cho môi trường. Một khảo sát của Nielsen chỉ ra rằng, cứ 5 người tiêu dùng Việt được hỏi thì có 4 người sẵn sàng chấp nhận chi trả cao hơn đế mua các sản phẩm xanh, sạch.

Cũng theo khảo sát này, 60% người Việt quan tâm đến vấn đề nguồn nước sạch bị thu hẹp, 58% quan tâm đến sự đảm bảo tính bền vững của môi trường, 52% quan tâm đến cải thiện hệ thống vệ sinh công cộng, 49% quan tâm đến các sản phẩm sử dụng nguồn cung ứng mang tính bền vững… 

Thực tế trên cho thấy, người tiêu dùng ngày một quan tâm hơn đến môi trường. Do đó, dễ hiểu vì sao người dùng sẽ quay lưng đối với những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ảnh hưởng xấu tới
môi trường.

Ðơn cử, chuỗi cà phê Highland Coffee đang có chiến dịch truyền thông “Những cánh tay xanh” với thông điệp cùng nhau giảm thiểu nhựa sử dụng một lần. Tuy nhiên, khách hàng sử dụng dịch vụ tại quán vẫn được phục vụ đồ uống đựng trong các cốc (ly) nhựa. Sự thể hiện trách nhiệm xã hội “nửa vời” của Highland Coffee đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong giới tiêu dùng.

Ðánh giá về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương nói: “Tạo một chiến dịch truyền thông đúng xu hướng không khó, nhưng để tuân thủ đúng cam kết, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng là không dễ dàng”. Hành động kêu gọi Highland Coffee nên ngưng sử dụng đồ nhựa dùng một lần của nhà báo này trên mạng xã hội Facebook nhận được 7.500 lượt thích, 2.100 lượt chia sẻ hưởng ứng, 1.000 bình luận phản hồi của người dùng, trong đó có nhiều ý kiến phê phán sự “thiếu chuyên nghiệp” của Highland Coffee.

Bà Lê Minh Trang, quản lý cao cấp của Nielsen Việt Nam cũng cho rằng, trong thực thi trách nhiệm với cộng đồng, cam kết phát triển bền vững, nếu chỉ “hứa suông” hay thực hiện “cho có” sẽ làm suy giảm uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp và ngược lại, sức mạnh thương hiệu sẽ gia tăng khi doanh nghiệp nỗ lực tuân thủ.

Tại hội thảo “Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững” tổ chức mới đây, bà Cartherine Phương, Trợ lý giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng, đầu tư theo hướng bảo vệ môi trường và thúc đẩy hiệu quả xã hội không chỉ là một hành động nhân ái, từ thiện, mà còn thể hiện sự hiểu biết trong kinh doanh. Những doanh nghiệp cân bằng nhiệm vụ xã hội với lợi nhuận có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến cộng đồng có thể tạo ra giá trị cần thiết để phát triển công việc kinh doanh, đồng thời tăng cường tác động xã hội.

Thời gian qua, thế giới đã ghi nhận những thương hiệu tăng trưởng mạnh nhờ phát triển bền vững như Unilever, MC Donald’s, Coca-Cola…, còn tại Việt Nam, có thể kể ra những cái tên đi đầu như Vinamilk, FPT…

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp mới cũng đã hướng đến mục tiêu phát triển gắn với trách nhiệm xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng như hệ thống bán vé xe trực tuyến Vexere.com của CEO Nguyễn Trần Lê Văn, hay Sapa O’Chau của CEO Tẩn Thị Su… Ðây là những mô hình doanh nghiệp xã hội, toàn bộ lợi nhuận tạo ra được dùng để tái đầu tư phát triển. Ðơn cử, Sapa O’Chau đang tạo việc làm cho người dân trong bản (xã Lao Chải, Lào Cai), lợi nhuận từ kinh doanh được dùng để giúp đỡ hàng chục em nhỏ được đi học từ lớp 1 đến lớp 12, học nghề, học cao đẳng, đại học…

Ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần có những chính sách khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp xã hội. Theo ông Hiếu, trước đây vì chưa có pháp lý về doanh nghiệp xã hội nên mô hình này còn ít nhiều bị nghi ngờ. Tuy nhiên, hiện tại, các đóng góp của doanh nghiệp xã hội đã đủ sức thuyết phục. Ðây không đơn thuần là hỗ trợ trực tiếp về tài chính hay kỹ thuật, mà còn đẩy mạnh hỗ trợ về tiêu dùng.

“Phát triển doanh nghiệp xã hội chính là phát triển bền vững. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp xã hội”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, để đẩy mạnh phát triển thương hiệu, doanh nghiệp cần 3 yếu tố chính là nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chú trọng phát triển bền vững.

“Tuy vậy, còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội. Ðể có thể lớn mạnh, phát triển bền vững, doanh nghiệp cần lồng ghép yếu tố này vào trong phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, truyền thông marketing và phải có tầm nhìn toàn cầu”, ông Thành nói.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục