Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam coi trọng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

(ĐTCK) Lần đầu tiên EuroCham khảo sát cộng đồng doanh nghiệp thành viên về đề tài Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR). Gần như tất cả doanh nghiệp nhận định rằng, CSR quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam. 
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Đó là một trong những nét chính của kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) thực hiện vào quý II/2018.

CSR được các doanh nghiệp áp dụng phổ biến như một phương tiện để đạt được những tác động tích cực đến xã hội. 87% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát BCI của EuroCham đồng ý rằng, hoạt động CSR là quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Hai động lực lớn cho doanh nghiệp là “uy tín thương hiệu” (75%) và “mối quan tâm về môi trường của khách hàng/cộng đồng” (59%).

Theo BCI, khi thực hiện các hoạt động CSR tại Việt Nam, điều quan trọng là tất cả nhân viên phải tuân thủ. Do đó, việc không tuân thủ sẽ ảnh hưởng đến các thủ tục và hoạt động kinh doanh của công ty, hoặc thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng thương hiệu. Từ khảo sát, “sự tuân thủ” được xác định là khía cạnh quan trọng/quan trọng/thách thức nhất chiếm 33% phản hồi.

CSR quan trọng đối với doanh nghiệp châu Âu, phần lớn vì uy tín thương hiệu.

Mặc dù thừa nhận tầm quan trọng của CSR, chỉ 33% doanh nghiệp châu Âu hiện đang áp dụng các tiêu chuẩn CSR trong hoạt động kinh doanh, trong khi 23% khác đang lên kế hoạch.

Việc lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá các hoạt động triển khai CSR thực sự là một thách thức, dẫn đến nhu cầu tiềm năng hợp tác với các chuyên gia nhằm đảm bảo tính kỷ luật và hiệu quả trong quy trình thiết lập CSR. Tuy nhiên, một nửa các lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi rằng họ không dự định hợp tác với các đơn vị khác.

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham cho biết, những chỉ số của BCI một lần nữa cho thấy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu vẫn tin tưởng vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

 Dù nhận thức tầm quan trọng của CSR, chỉ phân nửa doanh nghiệp thành viên đang và dự định áp dụng các hoạt động vì phải đối diện nhiều thách thức

Sư kiện EuroCham đạt mốc 1.000 thành viên trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất ở châu Á đã củng cố thông điệp tích cực này và cho thấy Việt Nam đang là điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư châu Âu cũng như quốc tế.

“Kết quả khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy các doanh nghiệp châu Âu luôn hướng tới phát triển bền vững. 90% doanh nghiệp thành viên thanh gia khảo sát phản hồi CSR là quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ, nhấn mạnh cam kết phát triển lâu dài đối với đất nước và người dân Việt Nam”, ông Nicolas Audier nói.

Cũng theo ông Nicolas Audier, những thông tin này đến vào thời điểm quan trọng đối với quan hệ EU-Việt Nam. Hiệp định thương mạitự do EU-Việt Nam (EVFTA) được mong đợi sẽ sớm được phê chuẩn.

"Chúng tôi hy vọng thông điệp tích cực này từ EuroCham và các thành viên sẽ truyền cảm hứng cho Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và thương mại và tăng cường mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nicolas Audier nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục