Ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN), doanh nhân thực thi những hoạt động từ thiện hỗ trợ những người yếu thế với hy vọng xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Theo bà, đó có phải là nền tảng để tạo nên một xã hội tốt đẹp của tương lai?
Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi thành viên trong đó luôn có ý thức phấn đấu phát triển cho chính mình, song hành với việc thực thi trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Tại Việt Nam, khái niệm về trách nhiệm xã hội ngày càng được hiểu một cách trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa hơn. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được sự tác động trong mỗi hoạt động của doanh nghiệp mình đến môi trường xã hội và môi trường tự nhiên thông qua việc sử dụng người lao động, sự tương tác với các chủ thể trong xã hội cũng như sử dụng các nguồn tài nguyên (điện, nước, nhiên liệu…).
Từ thiện là làm những việc thiện từ tâm. Còn trách nhiệm xã hội mang hàm ý cao hơn từ thiện, đó là đặt mình trong tổng thể xã hội, để từ đó, mọi hoạt động đều phải cân nhắc tránh gây ra tác động không tốt đến môi trường xung quanh và cao hơn là tìm cách lan tỏa giá trị đẹp đến cuộc sống.
Ví dụ, cùng là hoạt động trao quà tặng giúp đỡ người yếu thế, làm với trách nhiệm xã hội là không chỉ tổ chức trao quà hiện vật mà còn là chia sẻ món quà đó cùng với việc gieo cho họ khát vọng vượt qua chính mình, khát vọng hướng đến giá trị sống đẹp, sống có trách nhiệm với những người xung quanh.
Tạo tác động xã hội của doanh nghiệp có tính là trách nhiệm xã hội?
Trách nhiệm xã hội của DN có nhiều cấp độ. Từ đơn giản nhất là tuân thủ quy định phát luật đến mức độ cao nhất hiện nay là DN chủ động tạo tác động tích cực tới xã hội (giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường; tạo ra một thế giới tốt đẹp và nhân văn hơn) thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Mỗi doanh nghiệp khi mới bắt đầu hoạt động đều có những tác động đến môi trường xung quanh như môi trường tự nhiên, xã hội, bên cạnh môi trường kinh tế. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp thường chỉ quan tâm nhiều nhất đến môi trường kinh tế, nhưng gần đây, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Như vậy, trách nhiệm xã hội đã dịch chuyển từ ‘ngoài’ vào ‘trong’ giá trị cốt lõi của DN. Có thể nói, tạo ra tác động xã hội là cấp độ cao nhất của DN có trách nhiệm xã hội. Ví dụ, một số doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thực hiện chương trình TNXH nhưng lại mang lại hiệu quả kinh doanh tốt khi họ hỗ trợ cho các đối tượng xã hội phù hợp.
Báo cáo của họ cho thấy những nhãn hàng tạo được tác động xã hội có tăng trưởng cao hơn nhãn hàng khác. Đây là trường hợp điển hình minh chứng khi các hoạt động kinh doanh có tác động xã hội chuyển dịch vào giá trị kinh doanh cốt lõi hiệu quả thì tác động càng lớn.
Ở Việt Nam chưa có khung pháp lý quy định về trách nhiệm xã hội để từ đó hình thành ý thức chung cho cộng đồng, thưa bà?
Gần đây, chúng ta đã quan tâm đến phát triển bền vững và dần đưa nội dung này vào các quy định để các doanh nghiệp thực thi, còn trách nhiệm xã hội hiện chưa có khung pháp lý, nên chủ yếu phụ thuộc vào cách hiểu và cách hành xử của các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, cao hơn khung pháp lý chính là sự tự nguyện thực thi và nếu trách nhiệm xã hội được hiểu đúng và thực hiện tự nguyện thì sẽ tạo nên sự phát triển bền vững cho từng chủ thể cũng như cả xã hội.
Phát triển bền vững ngày càng được các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đại chúng, quan tâm nhiều hơn khi Thông tư 155/2015/TT-BTC đưa ra yêu cầu các DN đại chúng phải Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty.
Thực tế, muốn phát triển bền vững, các DN phải quan tâm đến 3 môi trường trụ cột: môi trường kinh tế, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Các DN cần bắt đầu từ những việc cụ thể từ chính mình, người lao động tại DN mình, để từ đó lan tỏa những giá trị mình đạt được hoặc hướng đến ra xung quanh.
Nhận thức được 3 trụ cột của sự phát triển và thay đổi theo 3 trụ cột đó sẽ tạo nên sự thay đổi trong hành động của các DN. Bên cạnh việc xây dựng chiến lược kinh doanh, các DN rất nên quan tâm đến chiến lược nâng cao trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm xã hội. Đó sẽ là điểm quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của DN.
Bà có lời khuyên gì cho các DN trong việc định hình nên những việc cần làm nếu muốn phát triển bền vững hay nói cách khác là thực thi trách nhiệm xã hội?
Có nhiều loại hình DN, nhưng với khối DN niêm yết thì đã được định hình cơ bản về cách lập và thực thi báo cáo phát triển bền vững trong khuôn khổ của Báo cáo thường niên mà DN phải công bố công khai hàng năm. Một số DN niêm yết đã lập báo cáo phát triển bền vững riêng, tách khỏi báo cáo thường niên. Theo tôi, đây là dấu hiệu tích cực, rất đáng khuyến khích và lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp niêm yết.
Với khối DN có yếu tố nước ngoài, họ cũng đã quen với việc lập báo cáo phát triển bền vững theo văn hóa của tập đoàn mẹ ở nước họ. Các DN còn lại thì báo cáo phát triển bền vững vẫn còn là một khái niệm mới, chưa có ràng buộc cụ thể nào để họ phải thực thi và nhìn lại mình trong việc này.
Để hỗ trợ các DN hiểu và thực thi dần trách nhiệm xã hội, từ năm 2016, VCCI đưa ra bộ 100 chỉ số đánh giá phát triển bền vững (CSI 100), đồng thời lập nên Hội đồng đánh giá, chấm điểm DN để trao giải thưởng “Doanh nghiệp Bền vững” hàng năm.
Bộ chỉ số có thể coi là cơ sở để các DN quan tâm lập ra các chỉ tiêu liên quan và tự đánh giá chất lượng phát triển bền vững. Ngay cả khi DN chưa lập báo cáo riêng, thì việc soi mình vào bộ 100 chỉ số cơ bản cũng sẽ giúp DN định hình rõ nét hơn các tiêu chí phải thực hiện để hướng đến phát triển bền vững. Tôi cho rằng, đây là sự khởi đầu rất giá trị để định hình dần về ý thức, nhận thức, đến tự nguyện thực thi trách nhiệm xã hội, bắt đầu từ các doanh nghiệp, doanh nhân sau đó lan tỏa đến các chủ thể khác trong nền kinh tế.
Như bà vừa nói, sự quan tâm của DN phải mở rộng hơn đến môi trường xã hội, môi trường tự nhiên bên cạnh môi trường kinh tế. Vậy việc thực thi trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững, nếu có thể gói gọn trong vài nguyên tắc thì đó là gì, thưa bà?
Nếu phải gói gọn thì có thể nói trong 3 nguyên tắc: Tuân thủ, hiệu quả và lan tỏa giá trị. Việc đầu tiên các DN phải làm là tuân thủ quy định pháp lý. Khi DN không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ quy định pháp lý thì DN đó không thể có trách nhiệm xã hội thực sự.
Thứ hai là hiệu quả, tức là hoạt động hiệu quả trên sự tuân thủ đó, không phân biệt quy mô lớn hay nhỏ, DN lâu năm hay DN vừa khởi nghiệp. Thứ ba là tạo nên những cơ hội cho cộng đồng tham gia, lan tỏa ý thức sống có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng đến nhiều người. Khi các DN quan tâm và lan tỏa giá trị cộng đồng tốt, giá trị thương hiệu của DN sẽ được nâng lên. Đây là cách quảng bá và nâng giá trị cho DN một cách bền vững và an toàn.
Thực ra phát triển bền vững không phải là câu chuyện mới. Chỉ cần các DN cũng như mỗi chủ thể trong nền kinh tế mở rộng tầm nhìn, quan tâm không chỉ là doanh thu, lợi nhuận và thực thi 3 nguyên tắc tuân thủ, hiệu quả và lan tỏa giá trị thì đó chính là xây nền tảng bền vững cho sự phát triển, xây nên giá trị thương hiệu cho DN. Đó là giá trị của DN được để lại, giá trị của những người trong DN được mang theo và giá trị được cộng đồng ghi nhận.
Với tư cách là một hãng Tư vấn và Kiểm toán lớn, Deloitte thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng DN như thế nào, thưa bà?
Trước hết, chúng tôi đi tiên phong làm báo cáo phát triển bền vững với tư cách là một DN. Tôi có quan điểm rằng, muốn tư vấn cho người khác thì mình phải làm gương, làm mẫu. Là DN thuộc ngành dịch vụ tài chính, bản thân hoạt động của Deloitte tác động đến môi trường tự nhiên, xã hội khá nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn quyết định lập báo cáo và thực thi phát triển bền vững từ mấy năm nay.
Cùng với đó, mỗi năm, chúng tôi dành ra một số giờ lao động nhất định để góp sức thay đổi nhận thức của các DN, doanh nhân về chủ đề này.
Chúng tôi mong muốn ngày càng nhiều người hiểu đúng trách nhiệm xã hội không phải là liệt kê các hoạt động từ thiện, mà phải làm sao tạo dựng cuộc sống tốt cho mình đồng thời thúc đẩy ý thức sống trách nhiệm hơn, sống đẹp hơn, chia sẻ và lan tỏa những giá trị đích thực đến cộng đồng và xã hội.
Một cái cây xanh không thể sống khỏe nếu không có môi trường tốt cho sự sống. DN hay con người cũng vậy. Sống có trách nhiệm để góp sức xây dựng môi trường học tập, môi trường sống, môi trường kinh doanh tốt chính là xây dựng tương lai bền vững cho chính mình.
Tôi hy vọng rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thắp lên ngọn lửa từ chính mình, lan tỏa trách nhiệm xã hội đến cộng đồng để hướng tới sự phát triển và bền vững.