Tại bất cứ thị trường nào, trong đó có Việt Nam, phải là một doanh nghiệp “tốt” với giá "tốt” mới thu hút được nhà đầu tư. Vậy thế nào là doanh nghiệp tốt?
Sản phẩm tốt
Một doanh nghiệp tốt phải có sản phẩm tốt trong một ngành đang tăng trưởng. Khi tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhà đầu tư sẽ đặt ra những câu hỏi như:
Tỷ lệ tăng trưởng của ngành, vị thế của công ty trong chuỗi giá trị sản phẩm/ngành, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận, biên lợi nhuận, cách thức tổ chức kênh phân phối/logistic. Theo đó, doanh nghiệp sở hữu sản phẩm được ưa chuộng và xây dựng một chiến lược sản phẩm/thị trường rõ ràng với tầm nhìn dài hạn luôn được đánh giá cao.
Khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, họ nắm rất rõ rằng Việt Nam là quốc gia đang tăng trưởng.
Với tiền đề này, nhà đầu tư sẽ trăn trở về viễn cảnh trong 10 năm nữa, động lực nào, sản phẩm tiêu dùng nào sẽ thắng thế, nhất là khi Việt Nam có số lượng người giàu đang tăng nhanh nhất thế giới, tốc độ đô thị hóa cao, xuất khẩu nhiều sản phẩm đứng số 1 thế giới.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ đặt lên bàn cân xem xét vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị: Có doanh nghiệp rất nhỏ, doanh thu mỗi năm vào khoảng 600 tỷ đồng, nhưng lại có khát vọng sẵn sàng để vươn lên vị trí thứ 2 trên thế giới, đứng đầu Việt Nam về một sản phẩm nào đó.
Thực tế, nếu doanh nghiệp chiếm 80% thị phần, từ chỗ không ai biết sẽ tới lúc mọi người đều biết về doanh nghiệp.
Chỉ số tài chính tích cực
Với những doanh nghiệp mà biên lợi nhuận quá thấp, nhà đầu tư sẽ không quan tâm.
Chẳng hạn, biên lợi nhuận đạt 5% sẽ rất khó hấp dẫn nhà đầu tư, vì chỉ cần biến động đầu vào, lãi suất chút ít là khó có lợi nhuận. Tại sao VNM hấp dẫn?
Câu trả lời là biên lợi nhuận của Công ty thường duy trì ở mức 38 - 39%/năm, năm 2017 đạt tới 42% (lợi nhuận gộp - PV). Thực tế, nhiều doanh nghiệp mà chúng tôi đầu tư đang có biên lợi nhuận gộp tới 38%/năm.
Cũng cần lưu ý là trong cùng 1 ngành nghề, các doanh nghiệp lại rất khác nhau. Chẳng hạn cùng 2 doanh nghiệp sản xuất bóng đèn, phía Bắc bán buôn, phía Nam lại đa dạng hóa kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại.
Hay cùng làm nhà thầu xây dựng có doanh nghiệp chủ yếu đi vay cho nhà thầu phụ vay lại rồi quanh quẩn chuyện đi đòi nợ, có doanh nghiệp lại áp dụng cơ chế đấu thầu phụ, có quy trình thanh toán tốt và luôn dư tiền.
Nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, hẳn nhiên rồi. Các chỉ số tài chính lành mạnh được xem xét trên các yếu tố như chất lượng tăng trưởng của doanh thu (doanh thu tăng nhờ sản phẩm mới, thị trường mới, cải tiến năng suất hay chỉ là thanh lý tài sản), lợi nhuận và biên lợi nhuận, chất lượng của tài sản, tỷ lệ giữa vốn vay/tổng tài sản; các khoản phải thu/phải trả; dòng tiền âm/dương (doanh thu tăng/lợi nhuận tăng nhưng dòng tiền âm thì lúc nào doanh nghiệp cũng “đói tiền”).
Điều này có nghĩa là doanh nghiệp nào xây dựng được một kế hoạch tài chính cân đối và lành mạnh, tiến hành tái cơ cấu về tài chính tốt thì sẽ hấp dẫn được nhà đầu tư.
Mới đây, chúng tôi đã đến thăm làng lụa Vạn Phúc và nhận ra, đã qua 2 vòng chu kỳ thị trường bất động sản mà một doanh nghiệp có dự án tại đây vẫn chưa thể “ngóc lên”. Nguyên do là chủ đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn, vốn 200 tỷ đồng mà vốn vay hơn 2.000 tỷ đồng nên thất bại.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp như chúng tôi luôn có sự xem xét thận trọng, đơn cử, cùng là doanh nghiệp thép nhưng 2 doanh nghiệp khác nhau, có doanh nghiệp chỉ cần biến động nhỏ về lãi suất, khoản phải thu là biến động mạnh, doanh nghiệp còn lại thì không. Vậy doanh nghiệp nào được lựa chọn là điều ai cũng dễ nhận thấy.
Đội ngũ quản lý và hệ thống
Yếu tố không thể thiếu của một doanh nghiệp tốt là có đội ngũ quản lý và hệ thống.
Đội ngũ quản lý tốt là những người lãnh đạo am hiểu thị trường, sản phẩm, khách hàng, có tầm nhìn dài hạn; tâm huyết, trung thực, cởi mở, biết lắng nghe.
Đây cũng là những người quản lý gắn bó, năng động, ham học hỏi; áp dụng những công cụ quản lý tiên tiến phù hợp để quản lý các hệ thống vận hành của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp cần có kế hoạch cơ cấu về tổ chức, hệ thống và nhân sự.
Đáng chú ý, nhà đầu tư không thấy minh bạch thì sẽ thường rút lui. Thực tế, có những doanh nghiệp cởi mở, tâm huyết, hết lòng mời mọc nhà đầu tư. Nhưng cũng có những doanh nghiệp mà muốn tiếp cận, chúng tôi phải sử dụng nhiều mối quan hệ khác, thậm chí việc xin thông tin cũng rất khó khăn.
Không ít trường hợp doanh nghiệp ngại gặp nhà đầu tư, chỉ đẩy anh phó phòng kế toán tiếp nhà đầu tư nhưng anh này không biết gì ngoài con số kế toán.
Trong khi nhà đầu tư muốn biết đến cách thức làm thị trường, quảng cáo; chiến tranh thương mại có ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp hay không; hoa hồng, đại lý như thế nào, đâu là KPI về doanh nghiệp; câu hỏi về môi trường… những điều chỉ có vị CEO mới giải đáp được.
Theo tôi, với các nhà đầu tư quan trọng, lãnh đạo doanh nghiệp nên dành thời gian, đừng ngại không biết để trả lời. Nhiều khi, việc đầu tư vào doanh nghiệp thực tế là đầu tư vào những người lãnh đạo cao nhất của Công ty. Cũng giống như việc nhiều nhà đầu tư đã rót vốn vào Vinamilk vì tin tưởng ở người lãnh đạo và những gì mà doanh nghiệp công bố.
Bên cạnh đó, có ít doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào công cụ quản trị. Thực tế, công ty nào có hệ thống quản trị tốt sẽ thể hiện ngay ở tỷ suất lợi nhuận và nhà đầu tư sẽ dựa vào yếu tố này để ra quyết định.
Chú trọng phát triển bền vững
Một doanh nghiệp “tốt” là ESG (phát triển bền vững) sẵn sàng cải thiện. ESG đang là xu hướng lớn và trở thành một trong những yêu cầu tối thiểu của các nhà đầu tư có trách nhiệm.
10 năm trước, chỉ 200 quỹ đầu tư cam kết coi ESG là yếu tố ưu tiên để đưa ra quyết định đầu tư. Hiện tại, con số này đã lên tới hàng chục nghìn quỹ với quy mô đầu tư lớn hàng nghìn tỷ đồng. Khi còn nghèo, nhà đầu tư có thể chưa để ý nhưng khi đã đủ ăn, đủ tiêu, họ muốn có đồng tiền sạch và kê cao gối ngủ yên.
Chẳng hạn, chúng tôi có đầu tư vào một doanh nghiệp, khi có thông tin về việc phá rừng, chúng tôi đã gọi điện tới đặt vấn đề liệu Công ty có giải pháp nào cho câu chuyện này không? Họ trả lời không có giải pháp nào, ngay lập tức, Hội đồng đầu tư đã ra quyết định bán.
Vậy ESG được quan tâm trên các khía cạnh nào? Cụ thể, E (môi trường) – Doanh nghiệp cần có chính sách và thực tiễn quản lý ở mức chấp nhận được trong quản lý nước thải, rác thải và khí thải, tối thiểu đạt các yêu cầu của pháp luật Việt Nam và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế.
S (trách nhiệm xã hội) - các chính sách và hoạt động liên quan đến người lao động và cộng đồng. G (quản trị công ty) - các chính sách và thực tiễn về quản trị công ty, bao gồm cơ cấu HĐQT, các thông lệ về báo cáo và công bố thông tin, các hoạt động quan hệ với nhà đầu tư. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm rất nhiều để cải thiện thực tiễn ESG.
Doanh nghiệp có giá “tốt"
Giá là khái niệm tương đối, phụ thuộc vào ngành mà doanh nghiệp tham gia, vị thế của doanh nghiệp trong ngành, tốc độ tăng trưởng, khả năng tăng trưởng, trình độ quản lý, mức độ minh bạch, tỷ lệ cổ phần bán ra, tình hình thị trường, cách thức phân phối cổ phiếu…
Có nhiều phương pháp định giá và doanh nghiệp nên so sánh mức giá của mình với các doanh nghiệp cùng ngành trong nước và trong khu vực, để từ đó “biết người, biết ta”.