Bài toán lợi ích…
Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã mở cửa rất sớm. Ngay từ năm 1999, những công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đầu tiên đã được cấp phép và tới thời điểm Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), tại Việt Nam đã có mặt doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại các mảng thị trường bảo hiểm: nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm.
Nhìn sang thị trường Trung Quốc, vào thời điểm gia nhập WTO năm 2002, Trung Quốc chỉ cho phép thành lập DN bảo hiểm phi nhân thọ 100% vốn nước ngoài sau 2 năm gia nhập, còn bảo hiểm nhân thọ chỉ cho phép liên doanh tối đa là 50 - 50. Trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm, Trung Quốc cũng chỉ cho phép liên doanh tối đa là 50 - 50, sau 3 năm sẽ tăng lên 51 - 49 và sau 5 năm mới cho phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm 100% vốn nước ngoài.
Khi liên doanh Bảo Minh - CMG được bán lại toàn bộ cho hãng bảo hiểm nhân thọ lớn của Nhật Bản là Dai-ichi Life vào năm 2007, trên thị trường bảo hiểm nhân thọ chỉ còn lại duy nhất Bảo Việt Nhân thọ là công ty trong nước. Tính tới hết quý III/2009, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN), thị phần của Bảo Việt còn chẵn 32%. Như vậy, hơn 2/3 thị trường bảo hiểm nhân thọ đang nằm trong tay 9 DN nước ngoài (Liên doanh Vietcombank - Cardiff mới đi vào hoạt động chưa có thị phần).
Trên thực tế, khi mở cửa sớm ngành bảo hiểm đối với các DN nước ngoài, việc khối này chiếm thị phần đa số đã được tiên liệu từ trước. Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý siết chặt các điều kiện thành lập DN bảo hiểm nhân thọ đã khiến nhiều "đại gia" trong nước không thể thành lập nổi DN bảo hiểm nhân thọ. Trong năm 2008, có ít nhất hai hồ sơ xin thành lập công ty bảo hiểm của các DN trong nước bị bác bỏ do không đáp ứng đủ các điều kiện kỹ thuật.
Bản thân một vị lãnh đạo Bộ Tài chính đã từng phát biểu rằng, dù DN bảo hiểm nhân thọ là của nước ngoài hay Việt Nam, người được hưởng lợi sau cùng là người dân. Có cạnh tranh thì các sản phẩm mới được nâng cấp, người mua bảo hiểm mới được nâng cao quyền lợi. Đó mới là mục tiêu của cơ quan quản lý.
Hiện nay, những DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài trên thị trường Việt Nam đều là những tên tuổi đã được khẳng định trên tầm quốc tế như Dai-ichi, Prudential, Manulife… Sự có mặt của những tên tuổi này không chỉ giúp thị trường phát triển nhanh hơn mà còn mang tới Việt Nam những thông lệ bảo hiểm tốt nhất vẫn được gắn mác là "tiêu chuẩn quốc tế".
…và những sự chờ đợi
Trái ngược với thị trường nhân thọ, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chứng kiến ưu thế của các DN nội địa. Trong số 9 DN bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài, không có DN nào chiếm được thị phần tới 2%.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tăng trưởng, các DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đang có những bước tiến vượt bậc. Tính tới hết quý III/2009, Liberty đang là DN nước ngoài có mức tăng trưởng cao nhất thị trường với 302% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Liberty cũng đã tăng đáng kể với mức 1,19%, cao nhất trong số các DN nước ngoài kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Đã gần 10 năm trôi qua kể từ khi các DN nước ngoài thâm nhập vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng giải thích về thị phần còn khá khiêm tốn của khối này, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký HHBHVN cho rằng, các DN nước ngoài có lẽ cần thêm thời gian để có thể "hiểu tập quán kinh doanh địa phương" hơn nữa. Kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam cần phải "xây dựng mối quan hệ" giữa công ty bảo hiểm và khách hàng.
Năm 2008, một DN bảo hiểm nước ngoài (xin được giấu tên) tưởng chừng như đã thành công trong việc ký kết hợp đồng bảo hiểm cháy nổ với một siêu thị cỡ lớn. Phút cuối cùng, khách hàng này lại quyết định chuyển sang mua bảo hiểm của một DN trong nước. Những "sự cố" như thế này, được vị giám đốc của DN bảo hiểm nước ngoài chia sẻ rằng, "đó là những bài học kinh doanh hữu ích tại Việt Nam".
Chia sẻ với ĐTCK về triển vọng thị trường, ông Carlos Vanegas, Tổng giám đốc Liberty Việt Nam cho biết, những DN bảo hiểm nước ngoài như Liberty, đã và đang kỳ vọng rất nhiều vào sự phát triển của thị trường.
"Tỷ lệ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm thường cao hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế chung, do đó, miếng bánh thị trường sẽ lớn dần lên. Thêm vào đó, khi nền kinh tế đã hội nhập, thị trường bảo hiểm sẽ dần chuyên nghiệp hóa thì đây chính là cơ hội để những DN bảo hiểm nước ngoài như Liberty, giới thiệu những sản phẩm tốt nhất tới thị trường Việt Nam", ông Vanegas cho biết.
Trong những năm vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm thường cao gấp 2 - 3 lần mức tăng GDP của nền kinh tế.
Trên thực tế, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam đa số đều là các tập đoàn đa quốc gia với bề dày lịch sử hàng trăm năm và đương nhiên, tham vọng của các công ty này là rất lớn. Nó lớn tới mức một công ty bảo hiểm nước ngoài trên thị trường đã có tiền lệ mỗi năm thay một tổng giám đốc, khi mà các mục tiêu tại thị trường Việt Nam không đạt được. Với tiềm lực tài chính, công nghệ của mình, các công ty bảo hiểm nước ngoài không tới Việt Nam chỉ để dạo chơi. Nhưng câu hỏi tới khi nào các công ty bảo hiểm nước ngoài mới giành được thị phần xứng đáng với những cái tên của họ xem ra cũng không dễ tìm câu trả lời.