Đạo đức nghề nghiệp, yếu tố làm nên “người khổng lồ”

(ĐTCK) Vụ việc doanh nhân Hoàng Khải – chủ thương hiệu đình đám Khaisilk thừa nhận bán khăn lụa “made in China” trong suốt 30 năm qua đang là tâm bão dư luận mấy ngày qua. Trước khi scandal Khaisilk bùng nổ, nhiều doanh nhân nổi tiếng đã có những chia sẻ thú vị về chủ đề: Quản trị sự trung thực.
Muốn vươn lên tầm cao, doanh nghiệp phải học cách trung thực Muốn vươn lên tầm cao, doanh nghiệp phải học cách trung thực

Đừng tiếc cơ hội bán hàng

Trong cuốn sách “Khi bạn là CEO”, ông Võ Văn Thành Nghĩa, cựu Tổng giám đốc (CEO) Tập đoàn Thiên Long đưa ra câu hỏi “Bạn tự tin khi cạnh tranh lành mạnh trên thương trường?”.

Ông Nghĩa cho rằng, trên bàn cờ phức tạp của thương trường, ai cũng thấy rõ cạnh tranh là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định việc doanh nghiệp tồn tại và phát triển hay bị “knock out”. Bởi vậy, thương trường được ví như chiến trường và đi cùng với “cạnh tranh” thường là những từ ngữ mạnh như “khốc liệt”, “ác liệt”. 

Nhiều doanh nghiệp vì “sự sinh tử” này mà làm đủ mọi cách, cả tích cực lẫn tiêu cực, để cạnh tranh với đối thủ nhằm giữ vững vị thế, phát triển thị phần, cũng như khai thác những khoản lợi nhuận không thể bỏ qua.

Theo ông Nghĩa, “cạnh tranh lành mạnh” đơn giản là dùng chính thực lực của mình, không chơi xấu, không dùng thủ đoạn gian lận để giành giật với đối thủ. Và quan trọng nhất là phải có đạo đức nghề nghiệp, hay cái tâm của người làm kinh doanh.

Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp dù chiến thắng đổi thủ hay giành được vị thế đầu ngành, nhưng không nhận được sự tâm phục, khẩu phục của “người trong nghề”, bởi họ có được vị thế đó là nhờ “chiêu trò”.

Đạo đức nghề nghiệp, yếu tố làm nên “người khổng lồ” ảnh 1

Ông Nghĩa nhấn mạnh rằng, ngoài chất lượng sản phẩm và giá bán, ý nghĩa của cạnh tranh còn bao gồm tính phục vụ chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, khi thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, rất nhiều nhân viên bán hàng xuất hiện cùng với những chương trình bán hàng hấp dẫn. Tuy nhiên, hiếm khi thấy một nhân viên chăm sóc khách hàng ở bên cạnh khách hàng đúng lúc sản phẩm có vấn đề.

Cũng theo doanh nhân này, một lợi thế cực kỳ to lớn mà doanh nghiệp cần tận dụng khi cạnh tranh lành mạnh là sự tín nhiệm và yêu mến của người tiêu dùng đối với thương hiệu của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có thương hiệu sạch, với những hoạt động tốt đẹp vì cộng đồng, xã hội, thì dù đối thủ có cạnh tranh bằng cách này hay cách khác, người tiêu dùng vẫn là người quyết định cuối cùng nếu họ đã có cảm tình với thương hiệu của doanh nghiệp.

“Đừng tiếc vì đã đánh mất cơ hội bán hàng, mà hãy tiếc vì đã đánh mất mình do những cách làm không trung thực”, ông Nghĩa chia sẻ.

Học cách trung thực

Về kinh doanh trung thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ theo một cách khác bằng một câu chuyện nhỏ được ông kể lại tại một hội thảo mới đây:

“Một ông chủ người Nhật trước khi chia tay với người lái xe Việt Nam sắp nghỉ hưu đã nói thật: Trong 7 năm qua, nhiều lần ông định tăng lương cho người lái xe. Nhưng vì ông biết người lái xe gian dối tiền xăng, nên đã cộng cả khoản gian dối kia vào và chỉ tăng lương chút ít”.

Qua câu chuyện này, ông Đoàn muốn nói rằng: “Đừng gian dối, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có doanh nghiệp Việt nói người Việt hiểu người Việt hơn, nhưng thực tế, người nước ngoài hiểu mình hơn rất nhiều”.

Qua nhiều kinh nghiệm làm ăn với các tập đoàn nước ngoài, ông Đoàn cho biết, họ rất đề cao đạo đức kinh doanh và luôn đặt tiêu chí này lên hàng đầu khi xem xét, đánh giá đối tác.

Đạo đức nghề nghiệp, yếu tố làm nên “người khổng lồ” ảnh 2

“Để đi đến hợp tác, nhiều tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đến từ Nhật Bản, thường dành nhiều thời gian (có thể lên tới 5-7 năm) để thăm hỏi, đi lại với Phú Thái. Nhiều vị lãnh đạo tập đoàn thường xuyên gặp gỡ tôi không chỉ để trao đổi thông tin, bàn kế hoạch hợp tác, mà còn để chơi thể thao...

Về sau này, khi hai bên đã hợp tác, họ mới tiết lộ, đó là những lần quan sát, ‘mục sở thị đối tác tương lai’. Họ muốn tất cả lãnh đạo của tập đoàn đưa ra cảm nhận đối với người chủ của Phú Thái, sau đó mới tổ chức một hội nghị bàn tròn để đưa ra quyết định có hợp tác với Phú Thái hay không”, ông Đoàn chia sẻ.

“Nếu anh có tính cách ‘này nọ’ thì cuối cùng cũng sẽ lộ ra. Anh có thể nói dối được một người trong cả cuộc đời, hoặc có thể nói dối tất cả mọi người trong một khoảnh khắc nào đấy, nhưng không thể nói dối tất cả mọi người trong tất cả mọi lúc. Bởi vậy, khi làm việc ở đẳng cấp cao, hoặc muốn vươn lên tầm cao, thì điều vô cùng quan trọng là phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên hết”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Khéo quá hóa vụng

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ: “Thi thoảng, tôi vẫn nhận được những câu hỏi như: Tại sao một số người kinh doanh thành công, nhưng trong số họ nhìn qua không thấy sự sắc sảo, nhạy bén, của một người kinh doanh lớn? Câu trả lời của tôi là: Trong kinh doanh, tính phục vụ, sự chân thành và lòng tận tụy quan trọng hơn sự sắc sảo, nhạy bén”.

Theo ông Bảo, rất nhiều người quan niệm, người kinh doanh thì ngoài sự nhanh nhẹn, nhạy bén, sắc sảo thì cần phải khôn ngoan, thậm chí phải láu cá một chút. Thực tế đã chứng minh rằng, trong kinh doanh, những yếu tố như thông minh, nhạy bén, sắc sảo… có thể tạo nên sự thành công, nhưng nếu “khôn ngoan quá, khôn hết cả phần người khác” sẽ hạn chế sự thành công của chính họ.

Ông Bảo cho rằng, người vừa thông minh, nhạy bén, lại thêm chân thành và chân tình thì sẽ tạo nên thành công lớn. Điều đơn giản là những người “khôn và quá khôn” sẽ luôn tìm cách đạt được hiệu quả tối đa cho mình trong mỗi thương vụ, mà quên mất lợi ích của người hợp tác với họ. Chính vì vậy, khi hiểu ra, đối tác sẽ có tâm lý e ngại không muốn hợp tác trong các thương vụ tiếp theo. Kết quả là họ sẽ chỉ hưởng lợi tối đa cho một thương vụ, trong khi số thương vụ sẽ vơi dần đi trong tương lai.

“Ngược lại, nếu chúng ta quan hệ với khách hàng một cách chân thành và chân tình, quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của họ, thì chúng ta sẽ nhận được sự tin cậy và yêu quý của khách hàng, từ đó sự hợp tác sẽ dần mở rộng. Kết quả là số thương vụ sẽ càng ngày càng tăng và doanh nghiệp sẽ có cơ hội lớn mạnh”, ông Bảo chia sẻ. 

Ngày 8/10/2017, dư luận Nhật Bản rúng động sau khi Tập đoàn Kobe Steel thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong chế tạo máy bay, ô tô...

Vụ bê bối tại tập đoàn thép lớn thứ 3 Nhật Bản đã phá vỡ nền tảng của thương mại công bằng, đồng thời làm ảnh hưởng tới niềm tin vào ngành sản xuất của nước này.

Sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng khi 6 nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất "xứ mặt trời mọc" bao gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda cho biết, đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu của Kobe Steel.

Ngày 18/10/2017, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu khuyến cáo các công ty nên ngừng thu mua vật liệu từ Kobe Steel cho đến khi nhà chức trách xác nhận độ an toàn của các sản phẩm do tập đoàn này sản xuất.

Hương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục