Đạm Cà Mau (DCM), nên mua ở giá nào?

(ĐTCK) TTCK đón chào sự kiện cổ phiếu CTCP Đạm Cà Mau (DCM) lên niêm yết bằng tuần giảm thứ tư liên tiếp, kéo theo rủi ro bán giải chấp các khoản vay margin gia tăng.
Đồ thị kỹ thuật theo ngày của chỉ số VN-Index (Nguồn: ACBS) Đồ thị kỹ thuật theo ngày của chỉ số VN-Index (Nguồn: ACBS)

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước (3/4), VN-Index đứng ở mức 547,85 điểm, giảm 0,65% so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,57%, còn 82,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên HOSE không thay đổi nhiều so với tuần trước đó, khoảng 482 triệu cổ phần và 7.925 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nhìn chung, đà giảm đã yếu đi nhờ hai phiên tăng điểm cuối tuần.

Với giá trị vốn hóa gần 7.000 tỷ đồng, DCM nằm trong Top 25 cổ phiếu có mức vốn hóa cao nhất sàn HOSE. Về mặt cơ bản, CTCP Đạm Cà Mau sẽ nhận được sự hỗ trợ về giá khí đầu vào từ công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đảm bảo mức ROE tối thiểu 12% cho đến năm 2018, là một yếu tố tích cực cho Công ty trong điều kiện thị trường phân urea trong nước dư cung và giá phân urea thế giới có xu hướng giảm. Chúng tôi định giá cổ phiếu DCM ở mức 12.000 đồng/CP trong năm 2015 dựa trên EPS 2015 ước tính ở mức 1.250 đồng/CP. Ngoài ra, chúng tôi cũng ước tính Công ty sẽ trả cổ tức 1.000 đồng/CP trong năm nay, nên khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu DCM ở mức giá thị trường hiện tại là 13.400 đồng/CP.

Một cổ phiếu đáng chú ý trong tuần là HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi công bố Tổng giám đốc mới, HAG cũng công bố kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2015 tăng trưởng 18% lên 2.100 tỷ đồng. Công ty vẫn sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư đã công bố trước đây như cao su, mía đường, cọ dầu, bắp, thủy điện, dự án bất động sản tại Myanmar và đẩy mạnh dự án chăn nuôi bò thịt và bò sữa. HAG dự kiến trong 2015 sẽ xuất bán 60.000 con bò thịt, bắt đầu nuôi 13.000 con bò sữa, lần lượt cao hơn ước tính của chúng tôi từ 20-30%. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, kế hoạch lợi nhuận này của HAG là khả thi bởi Công ty vẫn chưa ghi nhận hết lợi nhuận tài chính bất thường từ thương vụ chuyển nhượng HAGL- Land trong năm 2014.

Bên cạnh đó, Việt Nam vừa cho phép nhập 50.000 tấn đường của HAG với thuế suất trong hạn ngạch được xem là tin thuận lợi đối với HAG bởi sức cạnh tranh của đường HAG được đánh giá cao hơn. Nhìn chung, bức tranh tài chính của HAG vẫn chưa cải thiện đáng kể so với 2014 với tỷ lệ nợ vay ròng/EBITDA vào khoảng 3,3 - 4 lần và giá cả hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của HAG như cao su, mía đường, cọ dầu vẫn đang ở mức thấp.

Quay lại với thị trường chung, về mặt kỹ thuật, giảm điểm mạnh vào đầu tuần với khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng và kế đến là 2 phiên tăng điểm vào cuối tuần, nhưng với khối lượng khớp lệnh suy giảm cho thấy TTCK trong nước vẫn đang nằm trong xu hướng giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động mua vào.

Một lo ngại nữa đến từ TTCK thế giới khi chúng tôi cho rằng TTCK Mỹ đang bước vào một giai đoạn điều chỉnh khá mạnh với mục tiêu đầu tiên là 17.200 điểm và mục tiêu thứ hai là 16.400 điểm cho chỉ số DJIA. Một sự điều chỉnh trên TTCK Mỹ, vốn đang là điểm sáng hiếm hoi trên bản đồ kinh tế thế giới, sẽ ít nhiều tác động đến động thái mua ròng của khối ngoại chỉ mới nhen nhóm trong các phiên gần đây.

Vì vậy, với những diễn biến của hiện tại, chúng tôi cho rằng TTCK trong nước, cụ thể là chỉ số VN-Index có thể hồi phục nhẹ về vùng kháng cự 551 - 553 điểm trước khi quay trở lại xu hướng giảm điểm ngắn hạn. Vì thế, nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thêm một thời gian nữa trước khi ra quyết định tham gia thị trường.

CTCK ACBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục