Phó tổng giám đốc một DN mới niêm yết cho biết, mặt dù lãi suất ngân hàng giảm mạnh, nhưng điều kiện để tiếp cận vốn không hề dễ dàng. Phương án huy động vốn từ cổ đông và TTCK do đó được nhiều DN lựa chọn. Muốn kế hoạch này khả thi, đòi hỏi DN phải lên sàn.
Đó là một trong rất nhiều lý do lý giải cho việc TTCK từ đầu năm đến nay diễn biến không mấy tích cực, song vẫn có nhiều DN niêm yết cổ phiếu hoặc xếp hàng nộp hồ sơ lên sàn, trái với cảnh èo uột của nửa đầu năm 2014 khi hai sàn chỉ có chưa đầy 5 mã chứng khoán mới.
Quan sát diễn biến của các cổ phiếu mới lên sàn cho thấy, thị trường đón tiếp khá nhiệt tình các tân binh. Đơn cử, cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị niêm yết trên HOSE vào ngày 9/3 với giá khởi điểm 15.000 đồng/CP, sau đó là chuỗi ngày tăng trần 4 phiên liên tục, vọt lên trên 21.000 đồng/CP, thanh khoản khá.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An mới đây niêm yết cổ phiếu trên HOSE với mã HAH. Phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu tăng giá gần hết biên độ tối đa (20%) lên 47.5000 đồng/CP.
Cũng trên HOSE, ngày 31/3 tới, cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón hóa chất Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) sẽ chào sàn với giá tham chiếu 14.500 đồng/CP. Với quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng, đây sẽ là DN lớn so với các DN niêm yết gần đây.
Trên HNX, một loạt DN đã nộp hồ sơ và đang chờ niêm yết như Soc Son Development, KPF, Nông nghiệp Xanh Hưng Việt, Hà Nội Kinh Bắc Agifood, Pacific Dinco…
Chưa kể rất nhiều DN thuộc diện phải đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định gắn cổ phần hóa với niêm yết cổ phiếu…
Niêm yết để tăng vốn là mục đích của nhiều DN lên sàn vì vay vốn ngân hàng vừa chịu áp lực trả lãi, cần tài sản đảm bảo vừa khó tiếp cận. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều DN đã tăng vốn thành công và thay đổi diện mạo hoàn toàn sau khi niêm yết. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cảnh giác khi trong nhiều trường hợp cổ phiếu mới niêm yết bị “đạo diễn” khiến giá cả biến động mạnh, gây thua lỗ lớn.
Trên thực tế, không ít nhà đầu tư đang đua theo cổ phiếu mới chào sàn. Diễn biến trong hơn nửa năm trở lại đây của nhóm cổ phiếu này khiến họ có quan niệm rằng, có sóng cổ phiếu mới và mua theo những cổ phiếu này. Tuy nhiên, nhà đầu tư rất dễ ăn trái đắng khi các cổ đông của DN xả hàng.
Đơn cử trường hợp cổ phiếu HAH, sau khi tăng giá mạnh phiên chào sàn lên 47.500 đồng/CP, cổ phiếu này giảm một mạch và hiện nay chỉ còn giao dịch quanh 34.000 đồng/CP.
Trong khi, nếu so sánh kỹ, sẽ có nhiều cổ phiếu đã niêm yết từ lâu, có chỉ số cơ bản tốt và thị giá hấp dẫn hơn nhiều cổ phiếu mới lên sàn. Nhà đầu tư dư tiền thời điểm này có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Một trong những lý do DN đẩy mạnh lên sàn, theo nhận định của giới phân tích chứng khoán, là DN muốn huy động vốn từ công chúng, trước thời điểm các văn bản pháp luật mới được sửa đổi, trong đó có Nghị định 58/CP với nhiều điều khoản chặt chẽ hơn cho việc phát hành. Rất nhiều DN mới niêm yết đã phát hành thành công thời gian qua, chẳng hạn FLC, FIT, KLF, CEO…